Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh họp nghe Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025.

Chiều ngày 18/02/2021, đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh chủ trì Hội nghị họp nghe kết quả hoạt động du lịch năm 2020 và góp ý vào dự thảo Chương trình phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày

các dự thảo báo cáo tại Hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020 toàn tỉnh đón được 7.341.000 lượt khách, giảm 24% so với năm 2019, đạt 65,5% kế hoạch năm 2020; tổng thu du lịch đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28,4% so với năm 2019 và đạt 50,7% kế hoạch năm 2020. Nguyên nhân chính do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội, đặc biệt là đối với lĩnh vực du lịch.

Song, các ngành, các địa phương doanh nghiệp đã tích cực, chủ động cùng vào cuộc, góp phần khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến lĩnh vực du lịch. Năm 2020 có 13 dự án hạ tầng kỹ thuật du lịch được cấp vốn đầu tư, với tổng vốn hơn 210 tỷ đồng; có 11 dự án đầu tư kinh doanh du lịch được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng; nhiều sản phẩm du lịch mới của các doanh nghiệp cũng được đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch trong năm 2020 như: Làng du lịch Yên Trung – Yên Trung Eco-villa (huyện Yên Định);…

Dự thảo Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025 đưa ra mục tiêu chung là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tận dụng cơ hội, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch Thanh Hoá theo hướng bền vững, có tính chuyên nghiệp và chất lượng cao; có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; có mạng lưới các dịch vụ du lịch đa dạng, đẳng cấp; có hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và có khả năng canh tranh cao; thương hiệu du lịch của tỉnh Thanh Hóa được đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Phấn đấu đến năm 2025 du lịch Thanh Hóa là ngành mũi nhọn, đưa Thanh Hóa vào nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.

Mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2025,  đón 16.000.000 lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,4%/năm, tổng thu từ du lịch 45.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,3%/năm.

Các đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Các định hướng phát triển về không gian lãnh thổ và khai thác tài nguyên du lịch trọng điểm được xác định là: Cụm thành phố Thanh Hóa – Sầm Sơn – Hoằng Hóa – Quảng Xương (hoạt động du lịch tại cụm này gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch đô thị, du lịch tìm hiểu lịch sử - cách mạng, du lịch tìm hiểu khảo cổ - lịch sử); cụm Nghi Sơn – Như Thanh – Như Xuân kết nối với tỉnh Nghệ An (hoạt động du lịch ở khu vực này gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế biển đảo Nghi Sơn, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng rừng ở vườn Quốc gia Bến En); cụm Yên Định – Thiệu Hóa – Triệu Sơn – Thọ Xuân (hạt nhân của cụm này là Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, du lịch di sản); cụm Vĩnh Lộc – Thạch Thành – Hà Trung – Nga Sơn kết nối với Ninh Bình (hạt nhân là Di sản thế giới Thành Nhà Hồ trong mối liên kết vùng với tỉnh Hòa Bình để phù hợp với động lực kinh tế phía Bắc); cụm Thường Xuân – Ngọc Lặc – Cẩm Thủy (hạt nhân của cụm này là Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và suối cá Cẩm Lương, du lịch sinh thái và du lịch di sản); cụm Bá Thước – Quan Sơn – Quan Hóa kết nối tỉnh Hủa Phăn (hạt nhân của cụm này là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông; phát triển loại hình du lịch cộng đồng trong mối liên kết quốc tế với tỉnh Hủa Phăn, Lào, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch khu vực cửa khẩu quốc tế Na Mèo). Các định hướng về phát triển sản phẩm du lịch cũng được đưa ra trong đó có nâng cao giá trị, chất lượng cho sản phẩm chủ đạo là du lịch biển; thúc đẩy dòng sản phẩm cao cấp; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới, du lịch sáng tạo…

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá cao dự thảo Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đáp ứng đúng định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong giai đoạn tới. Góp ý vào cụ thể từng nội dung, có ý kiến cho rằng cần tập trung đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, bồi dưỡng về kỹ năng và nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ; quan tâm phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đảm bảo am hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước và điểm đến; bên cạnh đó cũng cần nâng cao nhận thức cho người dân về cách làm du lịch, để khách đến vừa lòng, khách đi lưu luyến, thiện cảm với vùng đất du lịch; cần tăng cường công tác tuyên truyền về các điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa;…

Đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh,

Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh khẳng định, năm 2020 là năm khó khăn tuy nhiên với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương, du lịch Thanh Hóa đã đạt được kết quả cơ bản, góp phần vào thành công chung của cả tỉnh. Đồng chí yêu cầu các cấp các ngành tiếp tục cố gắng, nỗ lực để đạt kết quả cao trong năm 2021, vừa phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn để vượt khó thành công.

Nêu bật những thách thức đặt ra cho du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới, đồng chí Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cho rằng, việc xác định các mục tiêu Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa 2021-2025 phải nâng cao hơn về chất so với giai đoạn trước. Góp ý cụ thể vào dự thảo Chương trình phát triển du lịch, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh đến phát triển bản sắc xứ Thanh, phát triển văn hóa tâm linh, điểm du lịch đẳng cấp quốc tế; nâng cao chất lượng ăn uống, ẩm thực xứ Thanh; quản lý chất lượng, giá cả dịch vụ đảm bảo thu hút khách đến; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có ngoại ngữ giỏi nhiều thứ tiếng; đào tạo kỹ năng đối với người làm doanh nghiệp; áp dụng CNTT trong việc tuyên truyền, quảng bá du lịch;… cần có sự phối hợp, kết nối với các tỉnh, địa phương khác để phát triển du lịch. Đồng chí cũng yêu cầu cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới./.

 

Bích Phương