Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 12 năm 2020 thảo luận và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.
Ngày 24/12/2020, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 12 năm 2020.
 |
Đồng chí Lê Thanh Hải – Chủ tịch UBND huyện Hà Trung trình bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị. |
Tiếp tục Chương trình kỳ họp tháng 12, buổi chiều cùng ngày, Hội nghị đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo báo cáo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hà Trung đến năm 2045. Theo đó, huyện Hà Trung có 20 đơn vị hành chính gồm: 19 xã và 1 thị trấn. Diện tích lập quy hoạch vùng huyện Hà Trung: 243,81 km2. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng thêm toàn bộ diện tích thị xã Bỉm Sơn để đảm bảo khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của vùng.
 |
Đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. |
Quy hoạch xác định rõ, cùng với thị xã Bỉm Sơn, Hà Trung sẽ là trung tâm vùng phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, với các chức năng chủ yếu: Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại – dịch vụ; Văn hóa - Thể dục thể thao, Du lịch văn hóa tâm linh; là đầu mối giao thông quan trọng vùng động lực phía Bắc của tỉnh; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng. Mô hình phát triển không gian vùng huyện Hà Trung dựa trên các đặc trưng về địa hình, thủy văn, hệ thống giao thông và phân bổ dân cư, cùng với các tiền đề, tiềm năng, cơ hội phát triển vùng. Quy hoạch vùng xác định: Vùng phía Bắc là Khu vực Hà Long, Hà Bắc gắn với sự phát triển chung của Bỉm Sơn, được xác định sẽ là vùng phát triển đô thị công nghiệp, dịch vụ đa chức năng, trong đó, phát triển Công nghiệp chế biến, chế tạo, Dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics; phát triển dịch vụ cao cấp (du lịch, nghỉ dưỡng, sân Golf,…) khu vực Đô thị Hà Long; dịch vụ văn hóa tín ngưỡng vùng phía Bắc của tỉnh & Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, vùng sản xuất đặc sản lúa gạo nếp cái hoa vàng. Vùng lõi sông Hoạt được quy hoạch phát triển nông nghiệp quy mô lớn, giá trị tăng cao là nền tảng. Vùng phía Nam sẽ là vùng phát triển mạnh về Công nghiệp – TTCN, Dịch vụ thương mại, Dịch vụ văn hóa tâm linh, thắng cảnh, đầu mối giao thông.
 |
Đồng chí Mai Xuân Liêm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị |
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, cần lấy ý kiến cụ thể bằng văn bản về quy hoạch đất quốc phòng tại huyện Hà Trung; đồng chí cũng thống nhất với ý kiến đề xuất của địa phương và ngành về việc di chuyển Nhà máy thuốc lá Tobacco, đề nghị các sở, địa phương tham gia ý kiến về các quy trình tiếp theo để trình Chủ tịch UBND tỉnh.
 |
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận nội dung tại Hội nghị. |
Phát biểu kết luận này, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao chất lượng và thời gian thực hiện quy hoạch. Yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn chỉnh quy hoạch.
Góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo quy hoạch, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần cập nhật Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vào Đề án quy hoạch vùng huyện. Cần xác định rõ định hướng phát triển đô thị, lưu ý xin ý kiến về quy hoạch đất quân sự, quốc phòng; quy hoạch đảm bảo hạ tầng CNTT; lưu ý quy hoạch tiêu thoát nước tại vùng huyện. Cần nghiên cứu về phương án nguồn vốn xây dựng, khuyến khích xã hội hóa đầu tư.
 |
Đồng chí Đào Vũ Việt – Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu thảo luận tại Hội nghị. |
Tiếp đó, Hội nghị cũng đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thiệu Hóa đến năm 2045. Huyện Thiệu Hóa có 25 đơn vị hành chính (24 xã và 01 thị trấn), diện tích lập quy hoạch 159,92 km2 . Theo quy hoạch, huyện Thiệu Hóa được xác định là vùng phát triển nông nghiệp tập trung chất lượng cao của tỉnh; phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh phát triển đa ngành, lấy dịch vụ thương mại, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển ưu tiên. Là vùng sinh thái phụ cận của thành phố Thanh Hóa; có vai trò hỗ trợ và kết nối khu vực thành phố Thanh Hóa với khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
 |
Đồng chí Lê Tiến Lam - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại Hội nghị. |
Về phân vùng phát triển kinh tế, toàn vùng huyện Thiệu Hóa được phân chia thành 04 tiểu vùng gồm: Vùng I (vùng kinh tế động lực của huyện) có 07 xã, thị trấn bao gồm: Thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phú, Thiệu Trung, Thiệu Vận, Thiệu Long, Tân Châu, Thiện Giao, có diện tích khoảng 4.591,3 ha. Với thị trấn Thiệu Hóa là trung tâm, đây là khu vực phát triển trọng tâm của huyện. Định hướng khu vực tập trung phát triển đô thị gắn với dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa trải nghiệm. Vùng II (Vùng Tây Nam hữu ngạn sông Chu); gồm 06 xã: xã Thiệu Toán, Minh Tâm, Thiệu Chính, Thiệu Hòa, Thiệu Viên, Thiệu Lý có diện tích khoảng 3.793,2 ha. Là vùng tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển chủ yếu theo hướng đô thị, dịch vụ và sinh thái nông nghiệp với đô thị Hậu Hiền (xã Minh Tâm và xã Thiệu Viên) là trung tâm của vùng. Vùng III (Vùng Tây tả ngạn sông Chu); gồm 06 xã: Thiệu Ngọc, Thiệu Vũ, Thiệu Tiến, Thiệu Công, Thiệu Thành và Thiệu Phúc, có diện tích khoảng 3.477,5 ha. Định hướng khu vực phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp - TTCN, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch văn hóa tâm linh với đô thị Ngọc Vũ (xã Thiệu Ngọc và xã Thiệu Vũ) là trung tâm của vùng. Vùng IV (Vùng Đông tả ngạn sông Chu), gồm 06 xã: Thiệu Nguyên, Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Thiệu Giang, Thiệu Thịnh, có diện tích khoảng 4.176,4 ha. Định hướng khu vực phát triển là dịch vụ thương mại, dịch vụ vận tải, công nghiệp - TTCN, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các điểm dân cư nông thôn. Định hướng đô thị Giang Quang (xã Thiệu Giang và xã Thiệu Quang) là trung tâm của vùng.
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để bổ sung vào quy hoạch. Đồng thời, làm rõ thêm một số vùng quy hoạch phân khu chức năng, thể hiện rõ tính chất liên kết. Đồng chí lưu ý, Thiệu Hóa có hệ thống sông Chu chảy qua, do vậy cần nghiên cứu, bổ sung quy hoạch phòng, chống thiên tai.
Tiếp đó, Hội nghị cũng đã cho ý kiến vào dự thảo ban hành Quy định tạm trú đối với người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh./.
Bích Phương