Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư.

Ngày 24/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND về việc tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 1. Về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài:  Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với địa bàn ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp), Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp (đối với địa bàn trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan hàng năm rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận về đầu tư của tỉnh Thanh Hóa đã ký kết với các đối tác nước ngoài thuộc địa bàn được phân công phụ trách; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực của các cam kết, thỏa thuận về đầu tư không còn phù hợp; phát hiện và đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phương án xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có).

 Tập hợp, sắp xếp, bảo quản và lưu giữ đầy đủ hồ sơ các cam kết, thỏa thuận về đầu tư của tỉnh Thanh Hóa đã ký kết với các đối tác nước ngoài thuộc địa bàn được phân công phụ trách; các vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của 2 nhà đầu tư trên hệ thống của cơ quan chuyên trách về đầu tư; thường xuyên rà soát, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn được phân công phụ trách…

2. Về phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với địa bàn ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp), Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp (đối với địa bàn trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp hiệu quả, lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài ngay từ khi nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa; tập hợp, lưu giữ đầy đủ thông tin về hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn được phân công phụ trách.

 Rà soát, đánh giá đúng yếu tố pháp lý, kể cả các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong đàm phán, ký và thực hiện các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, cam kết với nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận hoặc văn bản cho nhà đầu tư, bảo đảm nội dung phù hợp với pháp luật Việt Nam và các cam kết đầu tư của Việt Nam, kịp thời xử lý các vướng mắc để hạn chế thấp nhất các tranh chấp phát sinh.

 Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; quan tâm tới kiến thức pháp luật và cam kết quốc tế về đầu tư…

Yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất (nếu có), gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý nhà nước về đầu tư, làm phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về các thiệt hại phát sinh cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, của tỉnh nói riêng.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 

Bích Phương