Phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Ngày 16/7/2020, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí:Trịnh Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành, đơn vị và lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc tại Hội nghị

 (nguồn: chinhphu.vn)

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Hội nghị này cần tìm ra được nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chậm trong giải ngân vốn đầu tư công và ODA mà trong đó phải quan tâm đến nguyên nhân chủ quan; đồng chí cho rằng, hiện tượng "quan liêu, xa dân" là nguyên nhân ảnh hưởng đến vấn đề chậm tiến độ GPMB. Đồng chí yêu cầu Hội nghị phải giải quyết được "3 cái đọng": Vốn đọng, nợ đọng và thủ tục đọng. Các địa phương phải ít nhất 01 tháng 01 lần họp để kiểm tra tiến độ GPMB, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án.

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo tóm tắt về đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) 6 tháng đầu năm 2020 và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công những tháng còn lại của năm 2020. Theo đó, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng; trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%. Tổng số vốn Ngân sách nhà nước các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn đạt 94,2% kế hoạch, chỉ còn 5,8% số vốn còn lại chưa giao chi tiết các dự án.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 của cả nước là hơn 159.000 tỷ đồng (đạt 33,9% kế hoạch), tỷ lệ này vẫn thấp so với yêu cầu. Trong đó có 03 Bộ, cơ quan Trung ương và 09 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%; 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; 07 Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Thanh Hóa có tỷ lệ giải ngân 06 tháng đầu năm 2020 đạt 43,8% (so với số Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch), là tỉnh đứng thứ 3 về tỷ lệ giải ngân trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung (sau tỉnh Nghệ An và Đà Nẵng).

Thảo luận tại Hội nghị,  đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã báo cáo tình hình và kinh nghiệm trong công tác thực hiện tại địa phương, đó là: triển khai công tác giải ngân sớm, giao vốn 01 lần, thành lập các tổ công tác đôn đốc giải ngân, giao các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách trực tiếp từng dự án trọng điểm chỉ đạo thực hiện... Nghệ An là tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ và cao hơn bình quân chung của cả nước (32,3%).

Quang cảnh tại điểm cầu Chính phủ (nguồn: chinhphu.vn)

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới, trong cả nước, từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục hạn chế, khuyết điểm để thực hiện tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội. Các địa phương, các ngành phải có chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư xã hội. Từ đầu tháng 8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền để tập trung cho các công trình, các dự án có khả năng giải ngân. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng Chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành, địa phương mình, gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, từ đó có các biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; công khai, minh bạch, biểu dương những nơi làm tốt, phê bình những nơi làm chưa tốt; tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản….

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Phát biểu ngay sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh vai trò của đầu tư công rất quan trọng trong tăng trưởng của tỉnh, đóng góp cho thu ngân sách tỉnh đặc biệt trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Ngay từ đầu năm, Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt về công tác triển khai vốn đầu tư công với các Chỉ thị 02, 03, 04, 09; UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị giao ban giải ngân vốn đầu tư công, chỉ đạo rất cụ thể về tiến độ, thời gian giải ngân đối với ba nhóm dự án: Dự án đã hoàn thành quyết toán, dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các huyện ký cam kết với chủ đầu tư về GPMB và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, có báo cáo hàng tháng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Mặc dù vậy, đến nay, Thanh Hóa mới giải ngân đạt 43,8%, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, hai nguồn vốn giải ngân chậm nhất là nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới và vốn vay ODA. Đồng chí yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân báo cáo UBND tỉnh trước 25/7/2020. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các ngành rà soát lại các dự án đầu tư công để có kế hoạch đôn đốc chủ đầu tư thực hiện, báo cáo UBND tỉnh để điều chuyển vốn đối với những chủ đầu tư để chậm tiến độ. Các chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo về tiến độ, có kế hoạch tiến độ rõ ràng chi tiết, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư. Chủ đầu tư nào chậm tiến độ sẽ bị xếp loại không hoàn hành thành nhiệm vụ. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, báo cáo nguyên nhân chậm tiến độ, có tham mưu kịp thời. Đồng chí chỉ đạo cụ thể Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn phải tăng cường chỉ đạo hoàn thành GPMB cho dự án trước 30/9; 30/7 phải hoàn thành GPMB tại các huyện Nông Cống, Hà Trung, Đông Sơn. Về giải ngân vốn Chương trình xây dựng Nông thôn mới, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện có giải pháp cụ thể về giải ngân các dự án trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến 15/8 phải giải ngân đạt 70% đối với các dự án chuyển tiếp và dự án  khởi công mới./.

 

Bích Phương