Hội nghị trực tuyến Chính phủ với Doanh nghiệp.

Sáng ngày 09/5/2020, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid - 19. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Phạm Đăng Quyền, Mai Xuân Liêm, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch Covid -19 gây ra. Dịch bệnh đã tác động ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; làm ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, từ cung đến cầu; sản xuất đến tiêu dùng. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ… nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, đối phó tốt với khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cho rằng, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh được kiểm soát, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5%. Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công" là:  Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa. 

Tiếp đó, tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tác động của dịch Covid -19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đại dịch Covid -19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh chung cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch và là mức tăng cao so với bình quân của khu vực. Một số chỉ tiêu vỹ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc do đại dịch gây ra; nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Cụ thể, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: Việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh ở cả phía cung và cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế… Đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương cũng làm rõ những quy định về: Thể chế, cơ chế, tiền tệ, thuế, phí, lệ phí… nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính nói về giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trình bày về giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị.

 (nguồn: chinhphu.vn)

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, do đó phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %.

Thủ tướng nhấn mạnh, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp; các cơ quan liên quan cần lắng nghe để Chính phủ có giải pháp tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan cùng nhau chia sẻ, hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển của bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động. 

Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành cần "xắn tay" vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. “Một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển tăng tốc hơn nữa” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngay sau hội nghị, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính Phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến yêu cầu UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại hội nghị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian ngắn nhất, đúng đối tượng và không bỏ sót trường hợp nào để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính hơn nữa, để các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai nhanh các dự án đầu tư; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, nếu chủ đầu tư nào không thực hiện sẽ dứt khoát điều chuyển vốn, đồng thời kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc. Tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, nhằm tạo khí thế mới sau dịch bệnh COVID-19 để phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy đã quyết định tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô cấp tỉnh vào đầu tháng 6/2020. Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chuẩn bị các danh mục dự án chấp thuận chủ trương đầu tư, ghi nhớ đầu tư đảm bảo các quy định của pháp luật, với tổng mức đầu tư cao nhất có thể, cố gắng chấp thuận chủ trương đầu tư thấp nhất phải đạt hơn 1 tỷ USD. Đồng chí cũng yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh Thanh Hóa rà soát, thống kê lại đầy đủ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để kiến nghị tỉnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và bổ sung nguồn lực để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Tỉnh ủy sẽ xem xét từ nguồn ngân sách tỉnh để giải quyết./.

                                                           

Bích Phương