Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm Đề án "An ninh lương lực quốc gia đến năm 2020".
Ngày 18/3/2020, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm Đề án "An ninh lương lực quốc gia đến năm 2020".
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành liên quan và lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.
 |
Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu Chính phủ (nguồn: chinhphu.vn) |
Ngày 05/8/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 53-KL/TW về Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" (ANLT). Sau 10 thực hiện Đề án, sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Giai đoạn 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,61%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 3,64%/năm, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2,9%/năm, lĩnh vực chăn nuôi tăng 5,2%/năm, lĩnh vực thủy sản tăng 3,91%/năm. Trồng trọt có vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, có sản lượng lương thực dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng trọt năm 2018 đạt 91,9 triệu đồng, gấp 2,02 lần năm 2009. Sản lượng lúa gạo tăng từ 39,2 triệu tấn năm 2009 lên 43,45 triệu tấn năm 2019 (tăng 12,2%), sản lượng nhóm rau quả có mức tăng trưởng nhanh: rau các loại tăng từ 9,75 triệu tấn năm 2009 lên 17,6 triệu tấn năm 2019 (tăng 80,5%), trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn giai đoạn 2009 - 2019. Chăn nuôi, thủy sản đã có sự chuyển biến rõ nét khi các sản phẩm chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần đa dạng dinh dưỡng mà bước đầu đã xuất khẩu được sang các thị trường có yêu cầu cao.
Qua đánh giá 10 thực hiện Đề án, có thể thấy rõ những thành tựu đạt được: (1) Nhờ sản xuất lượng lúa tăng nhanh, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới; (2) tuy gặp nhiều khó khăn thách thức song, lĩnh vực đảm bảo ANLT phát triển toàn diện, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện; (3) việc triển khai Kết luận số 53 đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, trong đó tập trung phát triển lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo ANLT quốc gia và mở rộng xuất khẩu; (4) so với mục tiêu đến năm 2020 tại Kết luận số 53 và Nghị quyết số 63/NQ-CP, có 14 chỉ tiêu đạt và vượt; (5) ngoài đạt được các tiêu chí cơ bản đảm bảo an ninh lương thực cũng như đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, Đề án có một số tồn tại, hạn chế: việc sản xuất không theo quy hoạch gây ra sự quá tải về hạ tầng, dư thừa nguồn cung sản phẩm dẫn đến tình trạng "được mùa - mất giá"; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và cạnh tranh quốc tế, cũng như phòng chống thiên tai, nhất là khu vực miền núi; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được cải thiện nhiều nhưng kết quả chưa cao;...
Báo cáo cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sử dụng ổn định khoảng 3,3 - 3,6 triệu ha đất lúa, duy trì sản lượng lương thực có hạt 40 - 42 triệu tấn, trong đó sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm ANLT quốc gia đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho con người; đảm bảo thu nhập cho người sản xuất lương thực cao hơn 2 lần so với hiện nay.
 |
Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận tại Hội nghị từ điểm cầu tỉnh Thanh Hóa. |
Thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tổ chức triển khai quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung Đề án đến các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân. Sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cùng với sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là vấn đề về an ninh lương thực. Trong đó, Sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 1,6 triệu tấn, đạt mục tiêu đã đề ra, trong đó sản lượng lúa đạt trên 1,4 triệu tấn; năng suất lúa tăng từ 55,2 tạ/ha năm 2008 lên 58,8 tạ/ha năm 2019. Các hình thức tổ chức sản xuất được tập trung đổi mới, nhất là việc khuyến khích tích tụ tập trung đất đai; đã có trên 10.500 ha được tích tụ tại 25/27 huyện, thu hút 790 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; có 100% số HTX nông nghiệp (592 HTX) đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Ngoài những kết quả đạt được nêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, điển hình như:
Mô hình sản xuất rau, quả, thực phẩm sạch và trồng rau thủy canh 124 ha của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn; mô hình sản xuất lúa thâm canh 79.000 ha tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa; Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo của Công ty Cổ phần Thương mại Sao Khuê; sản xuất lúa hữu cơ 280 ha của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn; sản xuất chuối tiêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP 40 ha của Công ty TNHH Tâm Thuận Thành; chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn bò sữa Vinamilk với quy mô 16.000 con; liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia với Tập đoàn Master Good, quy mô 120.000 con gà bố mẹ; nuôi tôm chân trắng thâm canh...
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định hơn 10 năm qua thực hiện Đề án ngành nông nghiệp của đất nước đã đạt kết quả to lớn. Trong bối cảnh hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng cần nghiên cứu kỹ càng, cân nhắc vấn đề giữ diện tích đất lúa bởi thực tế vùng nào càng trồng nhiều lúa thì dân càng nghèo.Theo phân tích, đồng chí cho rằng nên xác định nhu cầu lương thực trên cơ sở dự báo, từ đó đưa ra tổng sản lượng lương thực bao nhiêu là phù hợp để có chiến lược phát triển, do vậy sẽ có cơ sở cần giữ bao nhiêu đất lúa là phù hợp.
Đồng thời nên hướng đến xu hướng quản lý đất lúa bằng cơ chế kinh tế, giảm bớt quản lý cơ chế hành chính. Quan điểm chọn trọng yếu vùng thâm canh lúa, còn diện tích đất lúa khác nên giao, phân quyền cho các địa phương thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất cũng là đề xuất mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đưa ra.
Ngay sau đó, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa về an ninh lương thực, phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.
 |
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị. (nguồn: http://baochinhphu.vn) |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đề án An ninh lương thực quốc gia năm 2020 đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Bộ Chính trị, Chính phủ luôn xem An ninh lương thực là vấn đề lớn, quan trọng của quốc gia. Trong đó, việc tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu, các giải pháp khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, gắn phát triển nông nghiệp với tái cơ cấu nền kinh tế luôn được Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Cùng với việc thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ, ngành, địa phương rà soát tài nguyên đất, tăng diện tích trồng rừng đảm bảo sự phát triển của đất nước; rà soát diện tích trồng lúa phù hợp với Luật quy hoạch và định hướng của thị trường trình Quốc hội và Chính phủ điều chỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu toàn bộ ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu hoàn thiện báo cáo; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về an ninh lương thực thay thế Nghị quyết số 63/NQ-CP./.
Bích Phương