Ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, Phiên họp ngày 11/12/2019, HĐND tỉnh đã thảo luận tại 5 tổ và họp phiên toàn thể tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển năm 2020 và tham gia góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: Xuân Nghĩa)

Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ toạ kỳ họp. Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và đông đủ các Đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Quang cảnh tại các Tổ thảo luận. (Ảnh: Xuân Nghĩa)

Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, đã có 65 lượt đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại các tổ thảo luận. Các ý kiến thảo luận tại các tổ đều thống nhất và đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành; đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các ý kiến đều khẳng định nguyên nhân của những kết quả đạt được, ngoài những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh thì còn là kết quả thực hiện từ nhiều năm trước mang lại. Đồng thời, tập trung phân tích, làm rõ và kiến nghị một số nội dung.

Các ý kiến thống nhất cao với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của UBND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 trình kỳ họp đồng thời đề nghị rà soát lại các nhiệm vụ cả nhiệm kỳ để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2015 – 2020, cần chú trọng các giải pháp về: Đổi mới phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tránh tư tưởng cuối nhiệm kỳ, không quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt nhất; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngủ cán bộ công chức, nhất là các công chức liên quan đến tham mưu, giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng. Quan tâm hơn nữa đến đội ngũ doanh nhân, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong đầu tư; đối với các nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ, vi phạm luật phải cương quyết thu hồi đất; khuyến khích các nhà đầu tư thực sự có năng lực. Quan tâm phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng có sự quản lý sản lượng, chất lượng sản phẩm theo chuỗi, có sự kết nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và kênh tiêu thụ. Phát triển doanh nghiệp số lượng rất lớn nhưng đóng góp cho nền kinh tế chưa nhiều. Chú trọng số lượng doanh nghiệp thành lập mới phải song song với nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp sau thành lập; số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; đề nghị tỉnh đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thành lập mới.…

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại tổ thảo luận.

 (Ảnh: Xuân Nghĩa)

Một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; việc tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; đặc biệt, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu nông sản còn chậm, nhất là khu vực Miền núi còn rất chậm. Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Cần xác định lại phân vùng quy hoạch, mỗi sản phẩm chỉ nên quy hoạch trên địa bàn 2 – 3 huyện; rà soát, xác định lại danh mục các sản phẩm chủ lực (hiện nay 20 sản phẩm là quá nhiều) theo từng huyện để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; tập trung đẩy mạnh thực hiện tích tụ đất đai theo Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy; tỉnh cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp để các địa phương thực hiện; đánh giá, tổng kết đề án phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi đến năm 2020; có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trồng cao su, mía đường; đề nghị tỉnh có cơ chế chính sách hấp dẫn hơn nữa để kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tham gia Chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng vùng Bắc Trung bộ. Ngành nông nghiệp cần tham mưu thành lập ban chỉ đạo do người đứng đầu địa phương làm trưởng ban; đưa chỉ tiêu chuyển đổi cây trồng xây dựng sản phẩm mũi nhọn vào nhóm chỉ tiêu chủ yếu...

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại tổ thảo luận. (Ảnh: Xuân Nghĩa)

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về giao biên chế công chức hành chính; phê duyệt số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2020 tỉnh Thanh Hóa, một số ý kiến cho rằng việc giảm cơ học như trong Dự thảo Nghị quyết về biên chế sẽ rất khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ đối với các đơn vị có khối lượng công việc nhiều (như các địa bàn Thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, huyện Tĩnh Gia…). Đề nghị tỉnh nghiên cứu xem xét giao lại. Đề nghị Tỉnh tính toán, cân đối giảm biên chế cho phù hợp với từng đơn vị hoặc giữ ổn định như hiện nay. Có kế hoạch và lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu giáo viên vào năm 2020-2021, nhất là tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Từ trước đến nay việc thi nâng ngạch cán sự cho viên chức chưa được tổ chức lần nào đề nghị từ năm 2020 trở đi UBND tỉnh nên tổ chức để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Về tờ trình đề nghị ban hành Bảng giá đất thời kỳ 2020 – 2024, một số đại biểu cho rằng cần xem xét giá phải tiệm cận sát giá thị trường để tạo điều kiện cho việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Hiện nay khi bồi thường thu hồi đất giá thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp bồi thường khi thỏa thuận với người dân nên khó khăn trong GPMB.

Đối với dự thảo trình ban hành chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, cần xem xét lại tính khả thi của chính sách hỗ trợ; thành phố Sầm Sơn đã có kiến nghị hỗ trợ 50% đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án xử lý chất thải rắn cho tất cả các địa phương là không phù hợp. Vì chi cho sự nghiệp môi trường là chi thường xuyên nên không thể lấy tiền từ các nguồn khác để chi. Đề nghị không xây dựng khu liên hợp xử lý rác thải cho các cụm mỗi huyện được xây dựng 01 khu xử lý đốt rác thải để phù hợp với điều kiện địa lý, giảm chi phí vận chuyển...

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an tỉnh

phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Xuân Nghĩa)

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục tham gia thảo luận tại hội trường, Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung, như: Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Phiên họp về vấn đề liên quan đến công tác an ninh trật tự và phòng chống tội phạm, đồng thời giải trình một số nội dung mà cử tri đề cập đến. Đồng chí Phạm Thị Hằng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phân tích làm rõ những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại trong năm học vừa qua...

Sáng ngày 12/12/2019, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường./.

 

 

Bích Phương