Đại hội Hiệp hội gỗ và lâm sản tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019 - 2024

Sáng ngày 29/11/2019, Hiệp hội gỗ và lâm sản tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội nghị. Tham dự đại hội có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Tỉnh Thanh Hóa có diện tích đất lâm nghiệp hơn 647.677 ha, chiếm 58,3% diện tích tự nhiên; trong đó, diện tích có rừng đạt 633.162 ha, với nhiều loại gỗ và lâm sản quý, hiếm. Toàn tỉnh hiện có 235 cơ sở, hộ gia đình tham gia hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản. Tuy nhiên, các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ chưa có thị trường bền vững, giá trị kinh tế thấp, chủ yếu là sản phẩm thô, bán thành phẩm lợi nhuận chưa cao, sức cạnh tranh yếu… Các cơ sở chế biến trong tỉnh có quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, chưa mang lại sự đột phá về kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về gỗ và lâm sản của tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh Đại hội.

Nhằm tập hợp, kết nối những hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp từ khâu tạo giống, trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản, sau quá trình vận động tích cực; ngày 12/8/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3224/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Hiệp hội gỗ và lâm sản Thanh Hóa. Mục đích nhằm tập hợp, đoàn kết các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến kinh doanh gỗ và các sản phẩm lâm sản trên địa bàn tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phương hướng hoạt động của hiệp hội trong nhiệm kỳ đầu tiên cũng được xây dựng và thông qua tại đại hội với một số nhiệm vụ và chiến lược tập trung, như: Kiện toàn bộ máy tổ chức, điều lệ hoạt động; xúc tiến thành lập các chi hội theo địa bàn, loại hình, ngành nghề sản xuất để hỗ trợ nhau phát triển vững mạnh; tập hợp, hệ thống hóa, số hóa và cung cấp các văn bản pháp quy hiện hành trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản cho các hội viên; thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản đầu tư vào địa bàn tỉnh; xúc tiến các hoạt động khảo sát thị trường, tìm hiểu và phổ biến công nghệ, sản phẩm mới trong lĩnh vực chế biến gỗ...

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, vận động thành lập hiệp hội. Đồng thời, ghi nhận sự quan tâm, nhiệt huyết của cá thành viên Ban chỉ đạo lâm thời và các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc kết nối, tập hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền

phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, đồng chí đề nghị hiệp hội bám sát các nội dung của đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, từ đó xây dựng những giải pháp để phát triển và quản lý bền vững diện tích rừng hiện có. Hoàn chỉnh điều lệ hoạt động của hiệp hội để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Đồng thời, hiệp hội cần khẩn trương xây dựng quy chế hoạt động, xác định nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng chương trình hành động để thực hiện thành công nghị quyết đại hội lần thứ nhất; tuyên truyền, dạy, truyền nghề cho các hội viên và nhân dân, mở rộng đầu tư sản xuất, chế biến tinh, chuyên sâu và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ và lâm sản; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ từ sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến các sản phẩm từ gỗ và lâm sản phục vụ cho nhu cầu xã hội và xuất khẩu. Tích cực tham gia các festival, hội chợ, triển lãm do Trung ương, các tỉnh bạn tổ chức để quảng bá, phát triển và nâng cao thương hiệu, giá trị kinh tế cho sản phẩm gỗ và lâm sản Thanh Hóa. UBND các huyện, thị, thành trong tỉnh tạo để hiệp hội phát triển các cơ sở chi hội tại địa phương nhằm tạo hệ thống liên kết bền chặt trong sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ hiệp hội trong xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

 

Xuân Nghĩa