Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Sáng ngày 23/7/2019, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Báo cáo về tình hình, kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cho thấy: Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt là đã có chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, thành lập các Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại Bộ, ngành, địa phương và xác định những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 17/NQ-CP được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới hiện nay.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP, cùng với việc huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, sự hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, sau 3 tháng triển khai đã cơ bản hoàn thành 10/16 nhiệm vụ cụ thể được giao trong 6 tháng đầu năm 2019...

Tại Thanh Hóa, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động, triển khai nhiều giải pháp thực hiện việc xây dựng Chính phủ điện tử. Hiện tại, tỉnh đã và đang triển khai phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc cho 100% các cơ quan cấp sở, cấp huyện và 67,2% cấp xã trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2019, sẽ hoàn thiện việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc và triển khai đến 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Thư điện tử công vụ cũng đã được cấp cho 100% các cơ quan hành chính từ cấp xã trở lên. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai đầu tư tại 31 điểm cầu toàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Về kết quả triển khai các ứng dụng và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, toàn tỉnh đã có hơn 60 phần mềm ứng dụng và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các ngành đầu tư phục vụ cho công tác quản lý và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều phần mềm sau khi được ứng dụng đã cho thấy nhiều ưu điểm và hiệu quả cao, như: Quản lý người có công, đối tượng chính sách, quản lý cấp phép lao động nước ngoài; Quản lý hộ tịch, tư pháp; Cấp đổi giấy phép lái xe, quản lý cấp phép liên vận; Đăng ký kinh danh, quản lý đầu tư nước ngoài…

Việc phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm triển khai qua hệ thống một cửa điện tử, với: Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của 27/27 đơn vị cấp huyện và 231 đơn vị cấp xã. Dự kiến đến hết năm 2019, 100% UBND cấp xã sẽ hoàn thành triển khai hệ thống một cửa điện tử, kết nối liên thông với cấp huyện và cấp tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.

Tuy đạt được nhiều kết quả, song việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của tỉnh cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Thiếu hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin; một số cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc, cát cứ, chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, tập đoàn… đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí nhấn mạnh, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải có tầm nhìn, giải quyết được mối quan hệ giữa Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là cung cấp thông tin, dịch vụ công trên nền công nghệ số; nguyên tắc phải đảm bảo liên thông, không trùng lắp, các dự án phải đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương coi phương châm thực hiện Chính phủ điện tử lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu; tận dụng tối đa công nghệ thông tin và truyền thông trong triển khai thực hiện. Đồng thời, chú trọng thiết kế lại quy trình dịch vụ công, ưu tiên cho các dịch vụ công thiết yếu.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 17; tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thể thức, giá trị pháp lý của văn bản điện tử theo quy định. Đồng thời, tập trung xây dựng và sớm đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Bộ Công an tập trung xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo thời gian theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

Xuân Nghĩa