Đặt tên đường, phố tại TP Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân: Cần thực hiện một cách thận trọng và khoa học.

Chiều 1-7, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị báo cáo Đề án đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa và Đề án đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Thọ Xuân, thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh, kết luận hội nghị.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo TP Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân và Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đề án đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Thọ Xuân, thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng, được huyện Thọ Xuân xây dựng và đề xuất, với 53 tuyến đường cần đặt tên. Cụ thể: thị trấn Thọ Xuân có 12 đường, phố cần đặt tên (gồm 1 đại lộ Lam Sơn và 11 tuyến phố); thị trấn Lam Sơn có 22 đường, phố cần đặt tên (gồm 9 tuyến đường và 13 tuyến phố); thị trấn Sao Vàng có 19 đường, phố cần đặt tên (gồm 5 tuyến đường và 14 tuyến phố). Đối với việc đặt tên đường, phố tại 3 thị trấn, các đại biểu dự hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc sử dụng tên Lê Thái Tổ/ Lê Lợi. Theo đó, nên lấy tên hiệu (Lê Thái Tổ) thay cho tên húy (Lê Lợi) để đặt tên, nhằm thể hiện sự tôn nghiêm và trân trọng đối với nhân vật lịch sử đặc biệt này. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng nêu lên sự cần thiết và phù hợp của tên gọi “đại lộ Lam Sơn” đối với tình hình thực tế tại địa phương; cũng như việc đặt tên đường, phố cần căn cứ theo thực trạng dân cư trên địa bàn…

Vua Lê Thái Tổ - nhân vật lịch sử được sử dụng tên để đặt cho một số tuyến đường tại huyện Thọ Xuân.

Kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với đề xuất của huyện Thọ Xuân, về việc đặt tên và tên gọi các tuyến đường, phố thuộc 3 thị trấn Thọ Xuân, Lam Sơn và Sao Vàng. Tuy nhiên, đồng chí đề nghị địa phương nên đổi “đại lộ Lam Sơn” thành “đường Lam Sơn”, cho phù hợp với quy mô thị trấn Thọ Xuân và thực trạng tuyến đường. Đồng thời, yêu cầu huyện rà soát lại thực trạng dân cư tại các tuyến đường, phố có nhu cầu đặt tên. Từ đó, tạm hoãn việc đặt tên đối với những tuyến đường chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí theo yêu cầu. Căn cứ các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị huyện Thọ Xuân sớm hoàn thiện lại đề án, để trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm định.

Đề án đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa, được địa phương xây dựng và đề xuất, với 130 tuyến đường, phố cần đặt tên (gồm 1 đại lộ, 47 đường và 82 phố) và 16 công trình công cộng cần đặt tên (gồm 1 vườn hoa, 3 công viên và 12 cây cầu). Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất đặt tên cho 122 tuyến đường, phố đã đặt tên, sử dụng ổn định nhưng chưa đúng quy định (gồm 2 đại lộ, 91 đường và 29 phố). Đồng thời, đặt tên 8 tuyến đường, phố đã đặt tên, sử dụng ổn định nhưng chưa đúng quy định và không có trong Ngân hàng tên; bổ sung 9 tên đường, phố chưa có trong Ngân hàng tên.

Thành phố Thanh Hóa về đêm.

Đối với việc đặt tên các đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố, các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc lựa chọn, sử dụng tên các nhân vật và địa danh để đặt tên. Cụ thể, việc sử dụng tên cần chú trọng đến các yếu tố như vị thế, đóng góp, dấu ấn hay tầm ảnh hưởng của các nhân vật, địa danh này trong lịch sử dân tộc và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, những nhân vật tiêu biểu, có đóng góp lớn cho quê hương, đất nước thì nên sử dụng trước. Bên cạnh đại lộ Lê Lợi, một số ý kiến cho rằng, TP Thanh Hóa nên có thêm đại lộ Hùng Vương để xứng tầm đô thị loại I và phù hợp với thực trạng tuyến đường hiện nay. Ngoài ra, thành phố cũng cần rà soát và xem xét lại việc sử dụng tên “đường” hay “phố”, đối với những tuyến đường, phố chưa đạt chuẩn quy định về chiều dài, chiều rộng, quy mô…

Đồng chí Lê Anh Xuân, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa trao đổi một số nội dung tại hội nghị.

Kết luận nội dung này, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Đỗ Trọng Hưng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của TP Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng Hội đồng tư vấn trong việc điều chỉnh và hoàn thiện Đề án đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đồng chí cho rằng, đây là việc khó và hệ trọng, nên cần được thực hiện một cách thận trọng và khoa học. Thống nhất với đề nghị của thành phố về việc đặt tên cho 130 tuyến đường, phố và giữ lại 3 đại lộ Lê Lợi, Hùng Vương và Nguyễn Hoàng, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị địa phương rà soát lại quy mô các tuyến đường, để có sự điều chỉnh từ “đường” xuống “phố” cho chính xác và phù hợp.

Đồng chí lưu ý việc sử dụng tên các nhân vật và địa danh để đặt tên đường, phố cần chú ý đến các yếu tố lịch sử, tầm vóc, không gian, thời gian… của cả nhân vật, địa danh và cả đường, phố được đặt tên. Đồng ý tên gọi của 16 công trình công cộng và bổ sung tên đường Vạn Lại – Yên Trường cùng 8 tuyến phố vào Ngân hàng tên, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị thành phố cần hợp thức hóa tên gọi của 122 tuyến đường, phố đã đặt tên, sử dụng ổn định nhưng chưa đúng quy định. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, sớm hoàn thiện lại Đề án để làm cơ sở cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng tờ trình, trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp sắp tới.

 

Theo Báo Thanh Hóa điện tử