UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nghe báo cáo kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Đăng ngày 28 - 07 - 2021
100%

Chiều ngày 27/7/2021, đồng chí Lê Đức Giang – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị nghe báo cáo kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, chế biến lâm sản, tinh bột sắn và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; thành viên Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND thành phố, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Thanh Hóa và 11 huyện miền núi.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, chế biến lâm sản, tinh bột sắn và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ ngày 15/3/2021 đến ngày 20/4/2021, trên sông Mã, đoạn qua địa bàn huyện Bá Thước, Cẩm Thủy xảy ra tình trạng cá tự nhiên, cá nuôi lồng bị chết hàng loạt, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Xác định sự việc có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 về việc thành lập Đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, chế biến lâm sản, tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh (Đoàn thanh tra 1303).

Đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Qua thống kê cho thấy trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở sản xuất bột giấy, giấy vàng mã chủ yếu các cơ sở này tập trung ở các huyện miền núi (Quan Sơn có 02 cơ sở, Quan Hóa có 09 cơ sở, Bá Thước có 04 cơ sở, Lang Chánh 03 cơ sở, Như Xuân 01 cơ sở, Thường Xuân 02 cơ sở và thành phố Thanh Hóa có 01 cơ sở). Ngoài ra, có 08 cơ sở sản xuất giấy bao bì và 04 cơ sở chế biến tinh bột sắn. Sản phẩm bột giấy, giấy vàng mã được sản xuất bằng nguyên liệu luồng và phế phụ phẩm rác luồng từ quá trình sản xuất đũa.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Qua quá trình thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản, sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã trên địa bàn các huyện cho thấy, các cơ sở đều có hành vi vi phạm quy định về đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường ở mức độ khác nhau.

Căn cứ kết quả thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các Công văn chỉ đạo xử lý vi phạm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu dừng hoạt động sản xuất bột giấy, giấy vàng mã của các cơ sở trên địa bàn huyện. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 13 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; 11 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm (do đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính), với tổng số tiền xử phạt là hơn 2,3 tỷ đồng; UBND huyện Quan Hóa đã xử phạt vi phạm hành chính 03 cơ sở có các vi phạm về đất đai với tổng số tiền là 129 triệu đồng.

Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về việc xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định của Nhà nước, pháp luật. Đồng thời bàn biện pháp khắc phục hậu quả, có thể hỗ trợ nông dân sản xuất, đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi hậu quả do các cơ sở sản xuất gây ra theo đúng quy định được không. Có đại biểu cho rằng, cần ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra, từ đó có giải pháp ngắn hạn và dài hạn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh đã vi phạm.

Đồng chí Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm trên các dòng sông, suối được tỉnh đặc biệt quan tâm, giám sát, xử phạt, tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xảy ra. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của Đoàn thanh tra và UBND các huyện trong việc thanh tra, xử lý các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, chế biến lâm sản, tinh bột sắn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định phát luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc xử phạt các cơ sở vi phạm các quy định là cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh, Thanh Hóa có 11 huyện miền núi chiếm 2/3 diện tích của tỉnh, là vùng khó khăn trong tỉnh, tuy việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các huyện miền núi là khó khăn, song, cần chú trọng đến các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường trong quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản nói riêng và các ngành, nghề khác nói chung.

Để tạo môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, bình đẳng, đồng chí yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, xử lý các công trình vi phạm quy định về đất đai; đối với cơ sở vi phạm chưa nộp phạt yêu cầu cần đôn đốc thực hiện. Đối với các doanh nghiệp bị xử phạt trong đợt này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc khắc phục các sai phạm, nhất là chú trọng đầu tư xây dựng, đổi mới công nghệ hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi sang các ngành nghề sản xuất khác không gây ô nhiễm môi trường; có phương án chuyển đổi địa điểm sản xuất tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và quy hoạch phát triển của các địa phương. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở có công nghệ sản xuất lạc hậu, không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường thì kiên quyết chấm dứt hoạt động. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường hoàn thiện hồ sơ để tỉnh xem xét cho hoạt động trở lại.

Đồng chí yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tuyệt đối không chấp thuận đầu tư cho cơ sở ngâm ủ bột giấy, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp chấp thuận cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản cần phải có ý kiến thống nhất của Sở Khoa học và Công nghệ.

Đối với UBND các huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về quản lý đất đai, quản lý hành lang an toàn kênh mương… Về quản lý mặt bằng, phải lưu ý các hành lang, mật độ xây dựng đảm bảo theo quy định của Luật xây dựng. Bám sát quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt.

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp UBND huyện Cẩm Thủy, Bá Thước nghiên cứu phương thức hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết, đảm bảo chính xác theo số lượng thực tế./.

 

<

Tin mới nhất

Thanh Hóa: Tốc độ GRDP quý I năm 2024 đứng thứ 3 cả nước(08/04/2024 11:13 SA)

Hội nghị trực tuyến UBND tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và...(04/04/2024 2:53 CH)

Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch...(02/04/2024 2:00 CH)

Chuẩn bị các điều kiện cho Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình MTQG XDNTM năm 2023 và quý I...(01/04/2024 2:15 CH)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi tiếp xã giao Đoàn công tác của hãng tàu CMA -...(27/03/2024 3:56 CH)

Hội nghị giao ban trực tuyến Dự án Đường dây 500kV mạch 3(26/03/2024 2:02 CH)

Thanh Hóa: Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024(26/03/2024 9:30 SA)

Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với BTV Thành uỷ TP. Thanh Hoá(25/03/2024 8:54 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1969 người đã bình chọn
°
635 người đang online