Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam.

Sáng 12/4/2017, tại Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Bá Oai - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và các sở ngành liên quan.

Báo cáo công tác phát triển dược liệu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày tại Hội nghị cho biết, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam rất lớn, trong đó 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hệ thống bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền; 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 - 80.000 tấn dược liệu. Đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Toàn cảnh điểm cầu Thanh Hóa.

Tại Hội nghị đại biểu Bộ Y tế và các tỉnh thành, các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng dược liệu đã phát biểu nhiều ý kiến xung quanh công tác quy hoạch sản xuất, kinh doanh dược liệu theo chiến  lược, kế hoạch; nghiên cứu khoa học về dược liệu; chế biến, sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; công tác quản lý chất lượng dược liệu; nêu những kết quả, bất cập, khó khăn trong phát triển dược liệu.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những bất cập của ngành dược liệu hiện nay là do chưa quy hoạch được vùng dược liệu phát triển theo chuỗi giá trị nên hiệu quả thấp; sản xuất manh mún, không có đầu ra bền vững. Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển ngành dược liệu Việt Nam; xây dựng chương trình khoa học trọng điểm về dược liệu; có chính sách hỗ trợ, công nhận các bài học cổ truyền, lựa chọn một số dược liệu có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển như sản phẩm của quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến cán bộ làm công tác dược liệu, bổ sung nhân lực quản lý y dược cổ truyền nói chung và dược liệu nói riêng. Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các địa phương tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu dược liệu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

(Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường truyền thông để giúp người dân, cộng đồng có kiến thức về phát triển dược liệu Việt Nam; khuyến khích việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đơn giản hóa các thủ tục thanh toán, có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn quy định.

Kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền nhấn mạnh, Thanh Hóa là địa phương có thế mạnh về tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu dược liệu. Vì vậy, các sở, ngành liên quan phải quan tâm đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế để tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách ưu tiên phát triển vùng dược liệu cho tỉnh trong thời gian tới.

 

Xuân Nghĩa