Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiều ngày 18/01/2022, đồng chí Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Vũ Đức Đam – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng – Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Xuân Liêm – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án được xác định nhằm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mục tiêu năm 2022 là hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với Căn cước công dân trên cổng Dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế trong quý I năm 2022 phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID), trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…

Giai đoạn 2023 - 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với cổng Dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;…

Với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, giai đoạn năm 2022 - 2023, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống định danh và xác thực điện tử; nghiên cứu mở rộng việc ứng dụng hệ thống trong các giao dịch điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử;…

Với nhóm tiện ích phục vụ công dân số, năm 2022, bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật; cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, căn cước công dân, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác;…

Tiếp đó, các đại biểu cũng được nghe công bố Quyết định số 400/QĐ-BCA của Bộ Công an về việc phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 (nguồn: chinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam đang triển khai rất nhiều phần mềm nền tảng số nhưng vấn đề đặt ra là chưa được kết nối với nhau để sử dụng thống nhất, đồng nhất về cơ sở dữ liệu; cơ sở dữ liệu của mỗi Bộ, ngành Trung ương đều thiếu, đây là những hạn chế, yếu kém có tính hệ thống, do vậy, buộc phải thực hiện Đề án này. Chuyển đổi số là một chỉ tiêu quan trọng của tăng trưởng quốc gia. Thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng và những lợi ích lớn lao của chuyển đổi số quốc gia. Đánh giá cao nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: kết quả đạt được trong chuyển đổi số quốc gia đã làm thay đổi phương thức quản lý công dân; góp phần khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý những thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ ngành, các địa phương; giúp tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất và nhân lực trong xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước; góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Kết quả trong xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử đã góp phần rất quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số và công dân số của Việt Nam. Đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp, tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc phát sinh, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao triển khai tốt Đề án này tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, khối lượng công việc trong năm 2022 và các năm tiếp theo là rất lớn, nhất là trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2012 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có vai trò rất quan trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải xác định việc thực hiện Đề án là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính đột phá của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo; các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, trong đó nòng cốt là Bộ Công an, Bộ Thông tin – Truyền thông, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện thành công Đề án, gắn Đề án với chương trình chuyển đổi số quốc gia; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị thực hiện Đề án này; đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, tham gia của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan thường xuyên rà soát, nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất để tổ chức thực hiện hiệu quả; với mục tiêu: xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, duy trì kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, phục vụ cho lợi ích của người dân, doanh nghiệp và quốc gia./.

 

Bích Phương