Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền kiểm tra tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư của Công ty CP Mía đường Lam Sơn.

Sáng ngày 15/5/2020, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án nông nghiệp của Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Tham dự đoàn công tác có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Đoàn công tác đã thị sát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án của công ty, gồm: Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn; dự án trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn; dự án công viên sinh thái tre luồng Tham Tam Ecopark; dự án nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía và dự án nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein; dự án quản lý đất đai và tình hình triển khai các dự án tại công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng

 Đoàn công tác thăm tình hình sản xuất

tại Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía.

Tiếp đó, tại buổi làm việc đại diện lãnh đạo Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã có báo cáo chi tiết từng dự án. Theo đó, đơn vị đang tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn để triển khai nhiều dự án trọng tâm, như: Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn 117 ha; dự án mở rộng 16 ha khu nông nghiệp công nghệ cao. Với dự án khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, sau gần 8 năm, công ty đã đầu tư khoảng 300 tỷ đồng đầu tư hệ thống nhà kính và khu vực nuôi cấy mô, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch và cung ứng giống, thay đổi chất lượng vùng mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, đơn vị đang tích cực phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân giải phóng mặt bằng khu vực quy hoạch mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao.

Với dự án Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn,  công ty đã tiến hành khởi công đầu tư xây dựng và lắp đặt thiết bị, nhà xưởng giai đoạn 1. Dự kiến trong tháng 5/2020 sẽ hoàn thành và đưa nhà máy sấy hoạt động với công suất 500 tấn/ngày, đồng thời sẽ hoàn thiện nhà máy chế biến gạo công suất 30.000 tấn/năm. Dự kiến trong tháng 6/2020 công ty sẽ tiến hành san lấp diện tích còn lại và khởi công giai đoạn 2 dự án.

Đoàn công tác thăm và kiểm tra tiến độ thực hiện dự án

công viên sinh thái tre luồng Tham Tam Ecopark.

Dự án công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam Ecopark đã tiến hành đầu tư 345 tỷ đồng, đã và đang tích cực hoàn thiện các hạng mục, như: Hệ thống đường giao thông, đường điện, nước và các hệ thống phụ trợ, hệ thống hồ đập, khu trung tâm đón tiếp, khu tượng đài vua Lê, khu nhà hàng, cầu phao qua Bãi Đoàn, trồng hoa, cây cảnh tại một số khu vực, chuẩn bị đưa công viên đi vào hoạt động trong tháng 9/2020. Dự án Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía và dự án Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu Protein đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng và đang hoàn thiện lắp đặt máy móc đi vào sản xuất….

Đoàn công tác thăm và kiểm tra tiến độ xây dựng dự án

trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn.

Theo kiến nghị của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, tiến độ xây dựng các dự án còn chậm do nhiều vướng mắc, trong đó cơ bản là những vướng mắc trong công tác GPMB, cụ thể như: Với dự án khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, công ty chưa hoàn thiện được thủ tục thuê đất do vướng mắc triển khai giải phóng con đường nội đồng cắt ngang khu vực này; Dự án mở rộng 16 ha khu nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn 4,58 ha của 12 hộ dân chưa GPMB xong, khiến công tác sản xuất cây giống công nghệ cao gặp khó khăn do chưa ổn định về an ninh trật tự. Với dự án Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn, công tác hoàn thiện hồ sơ thủ tục và cấp phép chậm trễ, đồng thời, việc hình thành vùng nguyên liệu liên kết gặp khó khăn. Dự án công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam Ecopark, đây là dự án Nhà nước thu hồi đất nhưng việc triển khai GPMB cũng rất chậm. Tại khu vực ảnh hưởng của huyện Thường Xuân, công ty đã chuyển tiền GPMB gần 8 tỷ đồng từ tháng 6/2018 cho 524 hộ dân nhưng đến nay vẫn thực hiện chưa giải ngân được. Tại địa bàn huyện Thọ Xuân cũng có diện tích hơn 10ha người dân chưa đồng thuận để GPMB dự án, gây khó khăn cho tiến độ đầu tư dự án theo kế hoạch. Với dự án dự án Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía và dự án Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu Protein, do vùng nguyên liệu liên tục giảm nên việc bảo đảm ổn định đầu vào cho các nhà máy cũng gặp khó khăn.

Đoàn công tác thị sát tình hình triển khai dự án trung tâm

nông nghiệp công nghệ cao 117 ha của công ty.

Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giải trình những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục của dự án, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của Công ty CP mía đường Lam Sơn trong việc khắc phục khó khăn để tiếp tục đầu tư phát triển. Trong đó, đặc biệt ghi nhận những cố gắng của công ty trong việc triển khai các dự án đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị cho cây mía và lúa gạo, tiên phong hình thành những chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp của tỉnh nhà.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền

phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí yêu cầu các sở, ngành liên quan nhanh chóng thẩm định, hướng dẫn công ty hoàn thiện, bổ sung hồ sơ, thực hiện các thủ tục cấp phép ngay các dự án khi đủ điều kiện. Với những vướng mắc trong công tác GPMB, đồng chí giao Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp hướng dẫn, UBND các huyện có dự án đứng chân chủ trì, phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn tiếp tục vận động người dân bị ảnh hưởng chấp thuận chủ trương bồi thường GPMB. Nếu người dân tiếp tục không đồng thuận, phải xây dựng phương án cưỡng chế thu hồi đất. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với chính quyền các địa phương có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm cho hoạt động của nhà máy. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp nghiên cứu, xem xét, áp dụng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đề nghị phía Công ty CP Mía đường Lam Sơn tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

 

Xuân Nghĩa