UBND tỉnh họp Phiên thường kỳ tháng 2 năm 2020: Tình hình kinh tế - xã hội giữ ổn định, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Ngày 20/02/2020, UBND tỉnh đã họp phiên thường kỳ tháng 02 năm 2020, do đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 2, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2020 và Báo cáo một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh Covid-19 đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và những tác động của dịch bệnh Covid-19, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhưng tình hình kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2020 của tỉnh nhìn chung ổn định, nhiều lĩnh vực vẫn có bước phát triển. Cụ thể, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành thu hoạch các loại cây màu vụ đông, với tổng diện tích là 50,3 nghìn ha, đạt 100,3% kế hoạch; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tháng 2 ước đạt 15,9 nghìn tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 ước đạt 12.975 tỷ đồng, tăng 12,7% so với tháng trước và 38,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2 ước đạt 8.662 tỷ đồng, tính chung 2 tháng đầu năm ước đạt 19.729 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã chủ động, tích cực, quyết liệt và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra tình trạng lây lan thứ phát.

Tuy nhiên, với diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc đã và sẽ tác động toàn diện đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới. Theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp dịch bệnh Covid-19 được khống chế trong Quí I/2020, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp giảm khoảng 230 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 800 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành dịch vụ giảm 510 tỷ đồng; nếu được khống chế trong Quí II/2020, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp giảm khoảng 380 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 2.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành dịch vụ giảm 820 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Báo cáo cũng đề ra 10 nhóm giải pháp tập trung nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gồm: (1) tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.(2) Tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. (3) Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh. (4) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. (5) Tập trung triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp và công nghiệp. (6) Tập trung kích cầu tiêu dùng để khôi phục các hoạt động của dịch vụ, thương mại. (7) Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. (8) Tập trung triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách, tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. (9) Triển khai các hoạt động văn hóa, xã hội. (10) Tập trung phát động thi đua, kêu gọi từng cá nhân, doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với các giải pháp mà báo cáo đưa ra; đồng thời tập trung thảo luận tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và bàn cụ thể, chi tiết về giải pháp, hướng khắc phục để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và Nghi Sơn nhận định tình hình xuất khẩu dầu thô sẽ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid19, giá dầu giảm, nhu cầu đi lại giảm, do vậy sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách; đồng chí đưa ra một số giải pháp tập trung như: hỗ trợ các nhà đầu tư; kiểm soát chặt chẽ, quan tâm các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong GPMB, thủ tục đầu tư cho các dự án.

Đồng chí Lê Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng nêu khó khăn trong việc giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định đối với các thủ tục có thời gian giải quyết dưới 15 ngày, giảm 70% thời gian đối với các thủ tục hành chính có thời gian giải quyết trên 15 ngày. Theo đồng chí, khó có thể thực hiện được giải pháp này nếu giảm thời gian nhiều quá.

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, hiện nay 365 công nhân người Trung Quốc làm việc tại Thanh Hóa đang được cách ly đã gần hết thời hạn cách ly và không có trường hợp nào nghi nhiễm, bị nhiễm Covid-19; còn hơn 100 người Trung Quốc chưa sang cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nguồn lao động làm việc tại Thanh Hóa. Do vậy, tình hình thiếu hụt công nhân làm việc do dịch bệnh Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh tại các nhà máy, doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu cần chú ý công tác chống hạn cho mùa vụ sắp tới; dịch bệnh H5N6, dịch bệnh gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp nên cần tập trung chỉ đạo. Đồng chí lưu ý những khó khăn vướng mắc trong vấn đề đơn giá xây dựng làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng của các chủ đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các báo cáo; đồng chí nhận định một số vấn đề: kinh tế tháng 2 của tỉnh có nhiều lĩnh vực tăng so với cùng kỳ như giá trị sản xuất thủy sản, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tổng dư nợ ngân hàng; tuy nhiên, có nhiều chỉ tiêu gặp khó khăn như  xuất khẩu, du lịch, thu ngân sách ... Trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội sẽ gặp một số khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ gây ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh tế - xã hội, nguyên phụ liệu cho công nghiệp khó khăn; hạn chế đi lại, tập trung đông người ảnh hưởng tới một số ngành; giá xăng giảm... Tuy nhiên có một số nhà đầu tư sẽ chuyển dịch môi trường đầu tư từ thị trường Trung Quốc sang các thị trường khác là một yếu tố thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Do vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau: Tập trung chỉ đạo phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tích cực triển khai các nhiệm vụ đã triển khai từ đầu năm; tập trung triển khai các giải pháp để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế - xã hội. Đồng chí yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình của doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đề nghị Ngân hàng nhà nước làm việc với các ngân hàng để xây dựng các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các sở, ngành liên quan chủ động đánh giá tác động lĩnh vực ngành quản lý, báo cáo cụ thể số lượng sụt giảm của từng sản phẩm, có đề xuất gói hỗ trợ cụ thể. Thực hiện các giải pháp kích cầu. Chuẩn bị các điều kiện để trong Quí II tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư; trong đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Trung tâm xúc tiến và Đầu tư chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài, Cục xúc tiến đầu tư, các hiệp hội nước ngoài... để giới thiệu đầu tư về Thanh Hóa. Tiếp tục đề xuất, bổ sung quy hoạch đối với các dự án mỏ; yêu cầu Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công các dự án xử lý cấp bách, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/02. Tập trung GPMB, yêu cầu các Đoàn kiểm tra chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục các dự án trọng điểm có khối lượng lớn trong năm 2020 để tổ chức giao ban tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn chỉnh tham mưu rút ngắn quy định giải ngân đầu tư công. Sở Tài chính tham mưu ứng vốn, các tiết kiệm chi dành vốn cho đầu tư... giao Sở Nội vụ tham mưu các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc; tham mưu thực hiện sớm kế hoạch dịch vụ công trực tuyến 3, 4. Tập trung triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng; tập trung tuyên truyền sau khi công bố hết dịch, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường; giao sở Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải nghiên cứu các gói kích cầu tiêu dùng. Tập trung các giải pháp về tăng thu ngân sách. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp tham mưu sớm về các phương án đấu giá. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động văn hóa - xã hội. Các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ 2020.

Tiếp đó, Hội nghị cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 21/02/2020, Hội nghị tiếp tục nghe, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung quan trọng khác./.

 

Bích Phương