Hội nghị bàn các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020.

Sáng ngày 18/02/2020, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nghe báo cáo, thảo luận các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020. Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Mai Xuân Liêm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt báo cáo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tóm tắt báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 với kinh tế - xã hội của tỉnh và những giải pháp đề ra. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội như: xuất, nhập khẩu; du lịch; vận tải; sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất công nghiệp; thương mại nội địa; đầu tư; thu, chi ngân sách nhà nước. Cụ thể, năm 2019 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của tỉnh đạt 220 triệu USD, chiếm 5,8% tổng giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh.

Dự báo, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 60 - 80 triệu USD (tùy thuộc vào thời gian dịch bệnh được khống chế). Tuy nhiên, do có sự gia tăng xuất khẩu các sản phẩm từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nên chỉ tiêu xuất khẩu của Thanh Hóa vẫn có khả năng hoàn thành kế hoạch. Toàn tỉnh có 37 doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp từ thị trường Trung Quốc (vải, nguyên liệu may mặc, nguyên phụ liệu thuốc tân dược, thức ăn cho gia súc...) qua đường biển nên vẫn hoạt động bình thường (chỉ tạm lưu quan 14 ngày để kiểm dịch). Tuy nhiên có một số mặt hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng là hàng tiêu dùng như: hoa quả, rau, củ, đồ gia dụng...

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến ngành du lịch trên cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, trong đó ảnh hưởng lớn đến các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải du lịch, các công ty lữ hành... Dự kiến trong 02 tháng đầu năm 2020 số lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 522 nghìn lượt khách (giảm 46,1% so với cùng kỳ năm 2019), tổng thu du lịch giảm 31,3% so với cùng kỳ. Dự kiến chỉ tiêu thuộc lĩnh vực du lịch giảm khoảng 15% so với năm 2019. Theo nhận định của Sở Giao thông Vận tải, tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ làm khối lượng vận tải hàng hóa trong năm 2020 giảm khoảng 3% so với mục tiêu kế hoạch, khối lượng vận tải hành khách giảm khoảng 10%, doanh thu vận tải giảm khoảng 10%.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp: sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có thể tụt giảm khoảng 300 - 400 tỷ đồng so với kế hoạch; sản xuất công nghiệp có thể tụt giảm khoảng 800 tỷ đồng (nếu dịch bệnh được khống chế trong Quí I), hoặc giảm 2.000 tỷ đồng (nếu dịch bệnh được khống chế trong Quí II)... Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được khống chế trong Quí I thì mức độ ảnh hưởng đến chỉ tiêu huy động vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng không đánh kể, nếu ảnh hưởng sang Quí II thì tổng huy động vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh có thể giảm từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Dịch bệnh Covid-19 sẽ làm giảm số thu ngân sách nhà nước cả ở khu vực nội địa và xuất, nhập khẩu...

Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn sẽ tác động đến lao động và việc làm. Quy mô lao động, đặc biệt là lao động trong khu vực du lịch, dịch vụ, kinh doanh ăn uống sẽ giảm mạnh. Điều này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động, khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng tăng cao và có thể dẫn đến các vấn đề xã hội khác...

Theo đó, báo cáo đưa ra 02 kịch bản tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2020: Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được khống chế trong Quí I, ước GRDP của tỉnh tăng 12%; nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế trong Quí II, ước GRDP của tỉnh tăng 11,7%.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra quan điểm chỉ đạo kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng (GRDP) năm 2020 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh quyết nghị là 12,5%.

Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với các giải pháp mà báo cáo đưa ra; đồng thời tập trung thảo luận tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và bàn cụ thể, chi tiết về giải pháp, hướng khắc phục để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh như: tiếp tục nhóm giải pháp phòng, chống dịch tốt để hạn chế lây lan; tìm kiếm các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính mà đang có làn sóng chuyển dịch môi trường đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác; trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiếp tục tái đàn nhanh, tăng cường chăm sóc vụ Chiêm xuân; trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu cho nhà máy may bằng phương án tìm nguồn nhập nguyên liệu khác ngoài Trung Quốc; kích cầu tiêu dùng để đảm bảo hàng hóa tiêu dùng, thiết yếu được lưu thông ổn định; đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối qua mạng...

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cho biết, hiện tại, một số doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc đều thiếu nguyên liệu; số công nhân là người Trung Quốc đang bị cách ly 24 ngày cũng gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh tại các nhà máy; đề nghị giảm thủ tục thông quan hàng hóa, tích cực tháo gỡ khó khăn nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, nhà máy...

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện lãnh đạo Cục Thuế đưa ra một số giải pháp: thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp trọng điểm (xi măng, thuốc lá, lọc hóa dầu...) để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo bù thu cho các lĩnh vực khác bị hụt; chỉ đạo các chi cục để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu... Ngoài những khó khăn theo báo cáo nhận định, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra khó khăn trong lĩnh vực du lịch biển thời gian tới, đề nghị tỉnh tập trung kích cầu du lịch biển. Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính nhấn mạnh tới những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp lớn, đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lớn (lọc hóa dầu); đẩy mạnh thương mại điện tử, chống thất thu trong thương mại điện tử.

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng thời đề nghị một số ngành cần có đánh giá cụ thể, chi tiết nguyên nhân giảm sút, số lượng giảm sút so với năm 2019 như công thương, du lịch,... đề nghị tích cực kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ để các doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu khác...

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn chỉnh báo cáo. Đồng chí góp ý cụ thể một số nội dung: Về tên báo cáo, sửa lại thành: Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hạn chế tác động của Covid-19 đến kinh tế xã hội của tỉnh. Về kết cấu: phần 1 tình hình dịch bệnh viết ngắn gọn, phần 2 đánh giá tác động, đánh giá các lĩnh vực đều theo 02 kịch bản (khống chế trong Quí I, Quí II) trên 03 lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), đồng thời dự báo số lượng sụt giảm, dự kiến số liệu các chỉ tiêu bị tác động.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng chí nhấn mạnh, cần tập trung kiểm soát dịch bệnh, tránh lây lan thứ phát; đảm bảo đúng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra. Cụ thể, (1) đồng chí giao Sở Y tế tập trung kiểm soát dịch bệnh không để lây lan thứ phát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát tốt dịch tả Châu Phi để cuối tháng 2/2020 phải công bố hết dịch.(2) Tập trung triển khai các giải pháp đã chỉ ra từ đầu năm. (3) Tăng cường cải cách hành chính: tăng thời gian làm việc của cán bộ, công chức; tăng hiệu quả làm việc; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Giao Sở Nội vụ tham mưu giải pháp cải cách hành chính. (4) Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, rút ngắn thời gian giải ngân, tháo gỡ khó khăn để khởi công dự án mới, huy động nguồn lực cho đầu tư công. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giải pháp này. (5) Tập trung triển khai các giải pháp để phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tham mưu phương án phát triển sản xuất. (6) Ngay sau khi công bố hết dịch cần tập trung kích cầu tiêu dùng. Giao Sở Giao thông Vận tải tham mưu sớm mở đường bay quốc tế. (7) Tập trung các giải pháp xúc tiến đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. (8) Tập trung triển khai các giải pháp tăng thu, giao Sở Tài chính, Cục Thuế, Tài nguyên và Môi trường tính toán giải pháp để bù thu, đảm bảo thu ngân sách không bị tụt giảm. (9) Tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa, xã hội. (10) Tập trung phát động thi đua: từng cá nhân, doanh nghiệp phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; giao các sở, ngành có phương án, giải pháp để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, yêu cầu gửi báo cáo UBND tỉnh trước 25/02/2020./.

 

Bích Phương