Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Chiều ngày 11/02/2020, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; dự kiến các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trình bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII là 1 trong 4 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020. Sau gần 5 năm triển khai, hoạt động KH&CN được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Số cán bộ nghiên cứu tăng 8% so với năm 2015; doanh nghiệp KH&CN phát triển nhanh về số lượng, năm 2020 dự kiến tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp ước tăng 25%, văn bằng bảo hộ tăng 28,4%, kinh phí từ ngân sách tỉnh cho KH&CN tăng gấp 1,4 lần; đã triển khai 33 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, tăng hơn 2 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện khâu đột phá về KH&CN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Tiềm lực, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu nhân lực KH&CN có trình độ cao, chuyên sâu, nhất là chuyên gia về công nghệ; việc triển khai nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN vẫn còn hạn chế; thời gian thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN còn dài, làm chậm ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống; chưa có nhiều những nhiệm vụ KH&CN có tính lan toả, đột phá; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp phần lớn ở mức trung bình trở xuống, tỷ lệ dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 15,6%...

Dự thảo báo cáo đã đưa ra một số chỉ tiêu cho giai đoạn 2021 – 2025, như: Toàn tỉnh có 60 doanh nghiệp khoa học công nghệ, ươm tạo được 10 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, nội dung số; 100% các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của các cơ quan nhà nước đạt chuẩn LAS hoặc VILAS; hoàn thành xây dựng hạ tầng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng...; có ít nhất 50 sản phẩm địa phương được xây dựng tiêu chuẩn và bảo hộ sở hữu trí tuệ…

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

 phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục là 1 trong các khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn tiếp theo. Góp ý vào dự thảo báo cáo, đồng chí yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ cần bám sát kế hoạch hành động 169/KH-UBND ngày 09/11/2016 của UBND tỉnh để đánh giá kỹ, chính xác những tồn tại, hạn chế, đồng thời cần có đánh giá từng nguyên nhân cụ thể; khẩn trương hoàn thành báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng khẳng định, giai đoạn 2016 đến nay, KH&CN đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển trên nhiều lĩnh vực của tỉnh, nhất là trong sản xuất và các lĩnh vực kinh tế. Đây là hoạt động đã có chủ trương, có chính sách, có nguồn lực, có những chỉ đạo thực hiện của tỉnh, cần phải triển khai đồng bộ, hiệu quả, ứng dụng được vào thực tiễn./.

 

Bích Phương