Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Ngày 30/12/2019, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí:Trịnh Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành, đơn vị và lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ

phát biểu tại Phiên họp (nguồn: chinhphu.vn)

Hội nghị đã nghe và thảo luận về các nội dung: báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019; dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và giới thiệu Dự thảo Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 05 chỉ tiêu đạt kế hoạch.Trong đó có một số kết quả nổi bật của năm 2019 cụ thể như: Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Tổng thu NSNN ước tính đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 46%. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2%; vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn tăng và đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 đạt mức kỷ lục trên 138 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng; tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sỹ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng giáo dục đại học nước ta tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng; độ che phủ rừng đạt 41,85%. Cải cách hành chính, xây dựng thể chế, phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và tạo được chuyển biến rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, hiệu quả, thực chất hơn.

Trong phiên thảo luận, lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các Bộ, ngành tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, đồng thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa

phát biểu tham luận tại Hội nghị từ điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đạt được về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của cả nước, đây là năm Chính phủ tiếp tục dành được nhiều thành công, các chỉ số về kinh tế - xã hội rất tốt, sự điều hành của Chính phủ có nhiều sáng tạo, sâu sát với các địa phương. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm tới các địa phương và xử lý các vấn đề nổi cộm, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, các bộ ngành để các địa phương nỗ lực, cố gắng vươn lên. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều khó khăn đã vươn lên đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm vừa qua. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội tiếp tục có sự phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh một số nổi bật năm 2019 như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách ước đạt 27.359 tỷ đồng, bằng 102,7% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước đạt 17.454 tỷ đồng (gấp gần 9 lần năm 2010), cao nhất từ trước đến nay; các chỉ số dịch vụ tăng cao, đặc biệt có Cảng nước sâu Nghi Sơn đã đưa vào hoạt động đạt kết quả tốt. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao hơn bình quân chung cả nước về số tiêu chí/xã và tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay đã có 06 huyện, thành phố, 350 xã và 799 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đến năm 2020 và là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao tiếp tục duy trì vị trí nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Thi học sinh giỏi Quốc gia khối trung học phổ thông, học sinh tỉnh ta đạt 65 giải, trong đó có 7 giải nhất; đặc biệt thi Olympic quốc tế, học sinh Thanh Hóa giành được 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc, là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị; qua đó, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã, để toàn tỉnh còn 559 xã, phường, thị trấn; đã giảm hơn 30.000 cán bộ.

Về kiến nghị, đề xuất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị 3 nội dung: Chính phủ tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề điểm nghẽn của thể chế (như các vấn đề về đất đai và đầu tư); một số dự án lớn về hạ tầng, đề nghị tập trung cao hơn nữa, nhất là dự án quốc lộ 1A đi qua các địa phương, dự án đường cao tốc; Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện nay có 2 vấn đề vướng mắc là ra hạn giấy phép đầu tư, một số vấn đề về thuế của dự án chưa được giải đáp, mong Chính phủ quan tâm chỉ đạo sớm giải quyết các vướng mắc của Thanh Hóa trong thời gian tới.   

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

phát biểu tại Hội nghị. (nguồn: http://baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2019, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra; trích nhận định của Ngân hàng thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phấn khởi, vui mừng chúc mừng những kết quả năm 2019 mà đất nước ta đã đạt được:"Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn tỏa sáng tại Việt Nam". Tổng Bí thư cũng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương không chủ quan, thoả mãn vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự chỉ đạo phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019.

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 5 vấn đề về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2020, đó là: (1) Tiếp tục tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên gắn với phát triển kinh tế, khẩn trương rà soát sửa đổi luật pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc mọi loại hình kinh tế; kiện toàn bộ máy và cán bộ; xử lý có kết quả rõ rệt hơn các dự án chậm tiến độ. (2) Cần quan tâm hơn nữa và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn nữa đối với việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; ưu tiên phát triển vùng đồng bào miền núi, tích cực triển khai các nghị quyết của trung ương về tiền lương... tiếp tục làm tốt công tác y tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các thiết chế văn hóa, khu công nghiệp; nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, quan tâm chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, người tàn tật ... phát triển thể dục thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao. (3) Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động phòng ngừa làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh và ngược lại, chủ động công tác bảo vệ biển đông, tích cực phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại đa phương, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đối ngoại. Cố gắng hoàn thành tốt bảo an Asean. (4) Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần đẩy mạnh, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài". Quốc hội làm tốt hơn chức năng lập pháp; Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và các địa phương cần chú trọng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả xử lý công việc; xây dựng có cơ sở và khoa học, xử lý căn cơ các vấn đề nổi cộm; Chính phủ cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực. Tiếp tục tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập, làm tốt hơn công tác cán bộ, phát huy dân chủ, có cơ chế chính sách bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kiên trì kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng để "không để, không dám tham nhũng". (5) Khẩn trương nghiêm túc, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phải thực hiện phương châm kế thừa, đổi mới và phát triển.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cả hệ thống hành chính sẽ quán triệt, triển khai đồng bộ các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để đạt kết quả cao hơn năm 2019.

Ngày 31/12/2019, Phiên họp tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng./.

 

Xuân Nghĩa