Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tháng 3 năm 2019

Ngày 11/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết xây dựng huyện Ngọc Lặc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phương án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành nông nghiệp và ngành y tế của tỉnh; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo Vụ Địa phương 1, Văn phòng Trung ương Đảng, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành cấp tỉnh.

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng huyện Ngọc Lặc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng: huyện Ngọc Lặc có vị trí quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của khu vực miền núi phía Tây của tỉnh. Trong nhiều năm qua, Ngọc Lặc đã đạt được một số kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như: Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; chưa định hướng rõ các ngành sản xuất chủ lực, mũi nhọn; việc đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; tốc độ đô thị hoá còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.

Do vậy, để đưa kinh tế - xã hội Ngọc Lặc phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng khang trang, hiện đại; việc ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng huyện Ngọc Lặc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết.

Các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng cho rằng: Dự thảo Nghị quyết đã làm rõ về căn bản những tiềm năng, thế mạnh, những tồn tại, hạn chế; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết cần phải làm rõ tính chất kết nối vùng trong phát triển kinh tế - xã hội giữa Ngọc Lặc và các khu vực lân cận, đặc biệt trong mối quan hệ với khu vực khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng; cần định hướng rõ các ngành kinh tế chủ lực; xác định cụ thể lộ trình đầu tư xây dựng các hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng đô thị; quy định rõ trách nhiệm của các sở ngành trong việc phối hợp với huyện Ngọc Lặc trong việc thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Phát biểu kết luận về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng huyện Ngọc Lặc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải xác định rõ mục tiêu là xây dựng Ngọc Lặc trở thành huyện khá nhất trong các huyện miền núi của tỉnh; phải tập trung cao độ để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội để đạt được mục tiêu này.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp cùng huyện Ngọc Lặc rà soát lại các quy hoạch đã ban hành, xây dựng quy hoạch vùng huyện đến năm 2025; trên cơ sở đó, tính toán các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về tăng trưởng; định hướng rõ về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, liên kết vùng. Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá trong tăng trưởng… phải được xác định là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất; khoa học công nghệ phải được xác định là động lực và nền tảng cho sự phát triển của Ngọc Lặc. Song song với phát triển kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội; mục tiêu phải xây dựng Ngọc Lặc trở thành trung tâm văn hoá – giáo dục – y tế - thể dục thể thao của các huyện miền núi phía Tây của tỉnh; đặc biệt phải xây dựng được các thương hiệu về văn hoá vật thể và phi vật thể.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến yêu cầu: Huyện Ngọc Lặc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiệt huyết vì sự phát triển của huyện.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến cũng nhấn mạnh: việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết không phải là trách nhiệm của riêng cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị huyện Ngọc Lặc; các sở ban ngành phải chung tay cùng huyện, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu đưa Ngọc Lặc trở thành huyện khá nhất trong các huyện miền núi của tỉnh vào năm 2025.

Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã nghe và cho ý kiến vào các Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, gồm: tờ trình về việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh; tờ trình về việc thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở hợp nhất Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông cấp huyện; tờ trình về việc thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá trên cơ sở tổ chức lại 5 trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh; tờ trình về việc tổ chức lại Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình huyện, thị xã, thành phố thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình; bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố.

Kết luận về các nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến đánh giá cao công tác chuẩn bị các tờ trình, đề án của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Đồng thời yêu cầu việc sáp nhập các tổ chức, đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và y tế phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Sau sáp nhập, các đơn vị phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ổn định; không phát sinh, tổ chức thêm các phòng ban, đầu mối công việc; phù hợp với tinh thần chỉ đạo về tinh giản tổ chức bộ máy. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến cũng yêu cầu: việc sáp nhập các đơn vị ngành nông nghiệp phải hoàn thành trước 30/6/2019; đối với ngành y tế phải xong trước 30/5/2019.

Tiếp đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá theo Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Các ý kiến đều thống nhất cao với việc sắp xếp, sáp nhập 66 xã, thị trấn chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị; đồng thời đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: việc sáp nhập 66 đơn vị xã, thị trấn này phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khả năng quản lý của chính quyền các cấp; tăng tỷ lệ đô thị hoá; góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc sáp nhập thành công các đơn vị hành chính này không phải là việc làm đơn giản. Do vậy, cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện. Trên tinh thần đó, Thường trực Tỉnh uỷ sẽ có Chỉ thị chỉ đạo việc thực hiện; UBND tỉnh hoàn chỉnh kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Ban Tổ chức Tỉnh uỷ có công văn hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể sau khi sáp nhập. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các công việc liên quan đến nội dung trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua phải hoàn thành trước 30/6/2019; việc sáp nhập các đơn vị xã, thị trấn phải hoàn thành trước 01/12/2019, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Trong quá trình sáp nhập, khuyến khích việc mở rộng thị trấn của các huyện trên tinh thần đảm bảo sự ổn định và phát triển. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và huyện Tĩnh Gia đẩy nhanh tiến độ thực hiện thành lập Thị xã Tĩnh Gia.

Để cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; và các chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về tin giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị quan trọng này; tập trung chỉ đạo và tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện./.

 

Theo Đài PT&TH Thanh Hóa