Hội nghị nghe Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030".

Chiều ngày 30/11/2018, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị nghe dự thảo Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030".

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

trình bày dự thảo Đề án tại Hội nghị.

Toàn tỉnh có 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống; có 4 huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của địa phương, 10 làng nghề đã được công nhận thương hiệu, nhãn mác;... Phát triển làng nghề gắn với du lịch đang là mục tiêu hướng tới của nhiều địa phương. Trong lĩnh vực nông nghiệp, có 19 sản phẩm chủ lực; trên 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm khác nhau do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất. Tuy đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại, song nhiều sản phẩm chất lượng chưa đáp ứng được các yêu cầu, mẫu mã hạn chế; sức cạnh tranh yếu; thị trường tiêu thụ nội địa vẫn là chính, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu;... Nguyên nhân chủ yếu vẫn là: Sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ; sản xuất thủ công; thiếu sự liên kết giữa các "nhà" với nông dân; thiếu đầu tư về khoa học kỹ thuật, công nghệ, vốn, nguồn nhân lực; công tác xúc tiến thương mại, công tác định hướng và phát triển sản phẩm lợi thế ở một số địa phương còn hạn chế,...

Các đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Đề án đưa ra mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020, cụ thể là: Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP (one commune one product - mỗi xã một sản phẩm) đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Ban hành và áp dụng cơ chế, chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên phạm vi cả tỉnh. Tiêu chuẩn hóa khoảng 30% số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh (khoảng 50 sản phẩm); củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Đến năm 2020 có ít nhất 01 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Triển khai thực hiện 1 - 2 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng. Triển khai xây dựng 01Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những vùng có đủ điều kiện. Củng cố, kiện toàn 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP... Định hướng phát triển 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó: Trồng trọt có 07 sản phẩm (lúa thâm canh năng suất chất lượng cao, ngô thâm canh năng suất chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, mía thâm canh, cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi); chăn nuôi có 05 sản phẩm (Bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà lông màu, con nuôi đặc sản (lợn sữa xuất khẩu, lợn mán, lợn cỏ, lợn rừng, gà ri, gà mía, vịt cỏ, vịt Cổ Lũng); thủy sản có 03 sản phẩm (Tôm he chân trắng, Ngao Bến Tre, sản phẩm hải sản khai thác xa bờ); lâm nghiệp có 04 sản phẩm (gỗ lớn, luồng thâm canh, quế, dược liệu dưới tán rừng)...

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Sau khi nghe các sở, ngành phát biểu ý kiến, phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  khẳng định lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân là lĩnh vực quan trọng, được Trung ương và tỉnh đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo chất lượng Đề án đi vào thực tế đạt hiệu quả, yêu cầu đơn vị soạn thảo bám sát chủ trương Trương ương, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; viết rõ ràng, gọn, dễ thực hiện. Đồng chí cũng yêu cầu cần nghiên cứu phân công nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo, ban giúp việc đảm bảo cơ cấu gọn, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; các chương trình lồng ghép của Đề án phải vừa đạt hiệu quả, vừa đảm bảo kinh phí./. 

 

Bích Phương