Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm

Sáng ngày 05/10/2018, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với 27 địa phương trong tỉnh bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm. Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh (VSATTP); đại diện lãnh đạo các Ban của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Tại điểm cầu 27 địa phương có đại diện lãnh đạo Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, UBND huyện; Ủy viên Ban chỉ đạo về VSATTP cấp huyện và các đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác VSATTP đối với sức khỏe nhân dân, chất lượng cuộc sống; nếu thực phẩm có thương hiệu sạch được công nhận còn mang lại giá trị sản xuất nông nghiệp cao; quản lý tốt công tác VSATTP góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sống quanh ta và đây cũng là vấn đề thực thi pháp luật. Qua những đợt kiểm tra gần đây cho thấy còn một số cán bộ xã chưa nắm đúng, đủ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo về VSATTP. Do vậy, đồng chí yêu cầu trong Hội nghị này cần tập trung thảo luận, bàn giải pháp để xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP; nhân rộng các mô hình xã làm tốt, đạt hiệu quả cao.

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Văn phòng điều phối về VSATTP trình bày các dự thảo: Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/CP ngày 18/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh 9 tháng đầu năm 2018; Chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP trên địa bàn tỉnh; Quyết định ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận, công khai xã, phường, thị trấn ATTP trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2018 đã triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về VSATTP tiếp tục được hoàn thiện; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP cơ bản được kiện toàn. Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, mở rộng và tăng cả 03 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Cụ thể, đã xây dựng 04 mô hình chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, 32 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn tại các xã, thị trấn; đã có 20 huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng 22 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo ATTP; đã xây dựng 05 mô hình chợ ATTP, ở cấp huyện đã triển khai xây dựng 26 chợ ATTP; xây dựng được 122 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; có 27/27 huyện, thị, thành phố triển khai xây dựng 32 mô hình bếp ăn tập thể ATTP; toàn tỉnh đang chỉ đạo triển khai xây dựng 32 mô hình thí điểm xã, thị trấn an toàn thực phẩm...

Tại Hội nghị, đa số các đại biểu thống nhất cao với báo cáo và tập trung vào những khó khăn, vướng mắc tại địa phương mình, như: tại thành phố Thanh Hóa còn xuất hiện nhiều chợ cóc, chợ tự phát, do đó công tác quản lý rất khó khăn; việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung  ở một số huyện miền núi cũng là vấn đề khó khăn trong công tác quản lý; trình độ chuyên sâu của cán bộ kiêm nhiệm về nghiệp vụ thanh, kiểm tra có hạn, do đó công tác thanh, kiểm tra về VSATTP chưa đạt hiệu quả cao; tài liệu tuyên truyền về VSATTP còn dài, khó đọc, khó hiểu...

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đề xuất của các đại biểu, phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được qua 02 năm thực hiện NQ 04, đồng chí nhấn mạnh những kết quả tích cực như cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP, tổ chức, kiện toàn được bộ máy chỉ đạo, điều hành về VSATTP từ cấp tỉnh tới cấp xã; đã dành được kinh phí thỏa đáng cho công tác VSATTP; công tác tuyên truyền được triển khai tích cực; các sản phẩm thực phẩm có tỷ lệ an toàn ngày càng cao; sản phẩm nhỏ lẻ đã được chứng nhận, có xuất xứ rõ ràng; công tác thanh, kiểm tra thường xuyên hơn; công tác xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm đạt kết quả bước đầu.

Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém như: một số lãnh đạo huyện, xã chưa tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo về VSATTP, còn lúng túng trong việc triển khai các chủ trương, chính sách; các ngành chưa kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của địa phương; lãnh đạo xã, phường, thị trấn còn nhận thức chưa đủ, đúng về chủ trương, đường lối về công tác VSATTP...

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau: các ngành, địa phương, đơn vị cần xác định công tác đảm bảo VSATTP là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng là nhiệm vụ thực thi pháp luật, là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thắng lợi NQ 04, do đó từng đơn vị phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt; yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xây dựng xã ATTP thuộc địa bàn quản lý; các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai từng tiêu chí xây dựng xã ATTP, báo cáo UBND tỉnh trước 15/10/2018. Giao Văn phòng điều phối về VSATTP phối hợp với các ngành liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã an toàn thực phẩm;  tham mưu tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát đối với cấp huyện, xã; hoàn thành xây dựng phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn và phần mềm hệ thống thông tin quản lý nhà nước về ATTP; xây dựng biểu mẫu báo cáo cho các xã, huyện an toàn thực phẩm. Đối với cấp huyện, đồng chí yêu cầu: xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện công tác VSATTP, phấn đấu đến hết năm 2020 có 90% số xã phải đạt tiêu chí xã an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ đạo, giám sát, quản lý chặt chẽ để các sản phẩm lưu thông có thể truy cứu được nguồn gốc xuất xứ; tổ chức, kiểm tra đôn đốc cấp xã; ưu tiên bố trí kinh phí hằng năm thực hiện công tác VSATTP. Đối với cấp xã, đồng chí cũng yêu cầu một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng công tác tổ chức, thanh kiểm tra, xử phạt trong quyền hạn. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về VSATTP. Các sở, chi cục có chức năng thanh, kiểm tra cần quyết liệt vào cuộc, xử lý vi phạm. Đề nghị các tổ chức đoàn thể phối hợp giám sát về xã an toàn thực phẩm, lồng ghép với các chương trình đang thực hiện.../.

 

Bích Phương