Phiên họp chuyên đề UBND tỉnh tháng 6 năm 2022

Đăng ngày 15 - 06 - 2022
100%

Ngày 14/6/2022, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp chuyên đề UBND tỉnh tháng 6 năm 2022.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Mai Xuân Liêm – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đầu Thanh Tùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Giang – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Đồng chí Lê Minh Nghĩa – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Nghĩa – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày một số nội dung cần xin ý kiến theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định quy hoạch đối với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các chuyên gia có ý kiến thẩm định bằng văn bản; Hội đồng thẩm định quy hoạch đã tổ chức hội nghị thẩm định ngày 27/5/2022; theo đó, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa và đề nghị tiếp thu, giải trình toàn bộ ý kiến tham gia bằng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyên gia; ý kiến tham gia của thành viên Hội đồng thẩm định tại Hội nghị của Hội đồng thẩm định. Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Hội nghị xin ý kiến các sở, ban, ngành liên quan để tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch. Trong đó có một số đề xuất như: Đề nghị thu gọn từ 6 còn 3 trụ cột tăng trưởng phát triển (bỏ trụ cột y tế, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực); đề nghị xem xét bổ sung nội dung chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cần nghiên cứu bổ sung phương án phát triển và kịch bản tăng trưởng để lựa chọn đảm bảo tính khả thi… Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích và đưa ra đề xuất cụ thể từng nội dung trên cơ sở xin ý kiến các sở, ban, ngành liên quan.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Hội đồng thẩm định đồng thuận trên nguyên tắc để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thanh Hóa là địa phương thứ 5 trên cả nước được Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch tỉnh sau khi tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến phản biện của các chuyên gia Hội đồng thẩm định. Do vậy, để khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý của các thành viên Hội đồng thẩm định. Đối với những nội dung chưa phù hợp với Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và tình hình phát triển thực tế của tỉnh, cần có sự giải trình khoa học, thuyết phục để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh.

Góp ý kiến cụ thể vào từng nội dung, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: ngoài 2 phương án định hướng phát triển các ngành quan trọng và trụ cột phát triển như trong báo cáo, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thêm một phương án, là vẫn giữ nguyên 6 trụ cột tăng trưởng, nhưng tập trung ưu tiên để phát triển 3 trụ cột là công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp và du lịch; đồng thời sắp xếp lại thứ tự ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế như gợi ý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương lập, trình phê duyệt Phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và giai đoạn 2021 – 2025 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa. Ngành Tài nguyên và Môi trường xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ưu tiên số 1 trong tháng 6/2022 để tập trung triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.

 Đồng chí Mai Xuân Bình – Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trình bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị.

Tiếp đó, đồng chí Mai Xuân Bình – Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trình bày dự thảo Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Hội nghị đã thảo luận và cơ bản thống nhất thông qua dự thảo do Ban Dân tộc soạn thảo. Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Dân tộc hoàn thiện sớm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo hướng đề xuất ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thời gian Văn bản quy phạm pháp luật để Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Hội nghị cũng thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn Ngân sách nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo; Dự thảo Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm phản ứng) do cơ sở y tế của Nhà nước thực hiện, không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do Sở Y tế soạn thảo. Các đại biểu cơ bản thống nhất thông qua, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, hoàn thiện dự thảo, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Đối với dự thảo Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm phản ứng) do cơ sở y tế của Nhà nước thực hiện, không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bám sát Thông tư 02/2022/TT-BYT ngày 18/02/2022 của Bộ Y tế, nguyên tắc mức giá của tỉnh ban hành không được cao hơn mức giá quy định tại Thông tư 02.

Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp trình bày dự thảo Quy định mức hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục theo quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và dự thảo Quy định nội dung, mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo, hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 500 đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cần có người trực tiếp giúp đỡ nhằm giúp người vi phạm có nhận thức, hành động tốt hơn trong đời sống xã hội, góp phần đảm bảo trật tự, ổn định xã hội. Việc hỗ trợ một phần kinh phí cho người giúp đỡ người được giáo dục theo quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là trách nhiệm của nhà nước được quy định tại Điều 12 Nghị định 120/2021/NĐ-CP. Để đảm bảo hiệu quả trong tổ chức thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện thống nhất quy định về hỗ trợ đối với người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục, việc ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ là cần thiết.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị soạn thảo lưu ý nghiên cứu thêm các nội dung về tiêu chí, nêu rõ nhóm đối tượng theo Nghị định 120/2021/NĐ-CP của Chính phủ là nhóm đối tượng cần được giúp đỡ và đối tượng giúp đỡ; về mức hỗ trợ, bám sát Nghị định 120/2021/NĐ-CP.

Góp ý vào dự thảo Quy định nội dung, mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phân tích, phạm vi đối tượng áp dụng theo dự thảo Nghị quyết không rộng, không nhiều; do vậy chưa cần thiết ban hành Nghị quyết này. Giao Sở Tư pháp phối hợp Sở Tài chính nghiên cứu phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng.

Các đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Đối với đề xuất phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện di dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh; dự thảo Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự thảo đề nghị báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương năm 2022 (đợt 2) do Sở Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo; các đại biểu cơ bản thống nhất và thông qua.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cho ý kiến vào dự thảo Quy định nội dung, mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 và Nghị quyết số 65/2017/NQ-HĐND ngày 12/7/2017 của HĐND tỉnh do Sở Tài chính soạn thảo./.

 

<

Tin mới nhất

Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029(26/03/2024 2:36 CH)

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2024(22/03/2024 2:22 CH)

Kỳ Họp thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII nhiệm kỳ 2021- 2026(15/03/2024 9:41 SA)

Tổng kết thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và công tác xây dựng Đảng...(14/03/2024 3:21 CH)

UBND tỉnh tổ chức Phiên họp tháng 3 năm 2024(01/03/2024 10:39 SA)

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết...(25/02/2024 3:09 CH)

Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 02 năm 2024: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn...(22/02/2024 2:17 CH)

Nghiên cứu, quán triệt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...(21/02/2024 8:35 SA)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1960 người đã bình chọn
°
0 người đang online