Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương chỉ đạo khẩn công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đăng ngày 07 - 08 - 2020
100%

Sáng ngày 07/8/2020, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương chỉ đạo khẩn công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Đình Xứng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh; Phạm Đăng Quyền – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ phòng, chống COVID-19 tỉnh. Tham dự Hội nghị có thành viên BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cho đến 6h sáng ngày 7/8/2020, cả nước ghi nhận 750 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 346 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam); 10 trường hợp tử vong.

Từ ngày 23/7 đến nay đã ghi nhận 335 trường hợp, trong đó có 37 trường hợp nhập cảnh nước ngoài và 298 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 14 tỉnh, thành phố (các trường hợp mới được phát hiện này đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng, F1 là 118 người).

Nhận định tình hình dịch bệnh giai đoạn 2 tại Việt Nam, Bộ Y tế phân tích cho thấy tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần. So với tình hình dịch bệnh giai đoạn trước, các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng trong đợt dịch này khá đa dạng với nhiều hình thức lây nhiễm, phổ biến nhất là lây nhiễm trong gia đình, lây lan cho người quen tiếp xúc, lây qua các sự kiện như đám ma, đám giỗ, đám cưới với hoạt động ăn uống tập thể… Trong các hình thức này, lây nhiễm trong các hộ gia đình là khá phổ biến, số lượng trường hợp mắc theo cụm gia đình là rất cao, tính đến thời điểm hiện tại (78 trường hợp trong 27 cụm gia đình) và cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước (chỉ 2 cụm gia đình nhỏ). Hiện tại, tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 là 2,7%, người già trên 60 tuổi là 30,6%.

Dự báo tình hình tới,  Bộ Y tế cho biết, từ 3/8/2020 đến nay, tại Đà Nẵng đã tăng cường việc xét nghiệm tại cộng đồng nên số trường hợp mắc sẽ tiếp tục gia tăng với khoảng 30 – 40 trường hợp mắc/ngày và dự kiến đến khoảng sau 15/8/2020 số trường hợp mắc mới bắt đầu có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố khác sẽ tiếp tục phát hiện các trường hợp mắc lẻ tẻ hoặc theo nhóm gia đình, công ty đi du lịch, làm việc chung với khoảng 10 trường hợp/ngày. Bộ Y tế cũng xây dựng 3 kịch bản hệ số lây lan.

Quang cảnh tại điểm cầu Chính phủ (nguồn: chinhphu.vn)

Bộ Y tế kiến nghị: thực hiện biện pháp giãn cách mạnh mẽ hơn nữa tại Đà Nẵng, có thể không để người dân ra khỏi nhà khi không cần thiết. Tăng cường số lượng xét nghiệm, đặc biệt là các trường hợp từ Đà Nẵng về. Khẩn trương làm sạch các bệnh viện Đà Nẵng, Quảng Nam, tăng cường bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, trẻ em và người có bệnh lý nền. Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị phương án xấu nhất nếu dịch bị lây lan trên địa bàn tỉnh… Bộ Y tế cho biết đã tiếp nhận 500 máy thở, chiều nay sẽ tiếp tục nhận được 3.000 máy thở từ các đơn vị tài trợ.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, tổng số ca nhiễm tại Đà Nẵng đến nay là 213 ca nhiễm, trong đó có 5 ca tử vong tại Đà Nẵng và 5 ca tử vong tại các tỉnh khác có liên quan đến Đà Nẵng, có 9 ca không truy vết được. Có gần 17.000 trường hợp được cách ly, trong đó có  gần 9.000 trường hợp F1 cách ly tại khu tập trung và gần 8.000 trường hợp F2 cách ly tại nhà. Hiện nay Đà Nẵng đã xây dựng nhiều khu cách ly tập trung; đã phong tỏa thêm một số khu, đã tăng cường số lượng xét nghiệm mỗi ngày. Nhận định chiến lược cách ly đang đi đúng hướng, đồng chí lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng đỉnh dịch sẽ đến sớm hơn, do đó sẽ dập dịch sớm hơn.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã thành lập các tổ giám sát từng hộ dân tại các xã, thôn; mỗi tổ giám sát từ 30 – 40 hộ dân, có trường hợp bất thường sẽ báo cáo, đưa bệnh nhân đi xét nghiệm ngay. Tỉnh cũng chủ động thành lập thêm các Bệnh viện dã chiến khác. Tỉnh Quảng Nam đã nhận hằng trăm bệnh nhân từ tỉnh Đà Nẵng về điều trị để “chia lửa” cùng Đà Nẵng. Tỉnh đang tăng cường, tập trung công tác xét nghiệm.

Đại diện lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại Thành phố Hà Nội ghi nhận 04 ca nhiễm COVID-19, qua phân tích, Thành phố Hà Nội xác định mốc từ 15/7 đến ngày 29/7 để xét nghiệm tất cả những trường hợp từ Đà Nẵng về trong thời gian này. Đồng chí cũng nhận định các nhóm bị lây nhiễm lần này đa số là nhiễm theo “nhóm gia đình”. Từ 10 – 12 ngày tới sẽ có các trường hợp lây nhiễm được phát hiện tiếp từ “nhóm gia đình” hoặc trên các chuyến bay. Thành phố đã kích hoạt toàn bộ các đội phản ứng nhanh gồm khoảng hơn 10.000 tổ. Đồng thời sẽ tập trung lấy mẫu để xét nghiệm. Cấm các hoạt động dịch vụ karaoke, bar, massage và yêu cầu nhân dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Thành phố Hà Nội đề nghị nâng mức nguy cơ cao hơn: Đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay tại các nơi công cộng.

Đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 25/7 đến nay, Thành phố ghi nhận 8 ca mắc COVID-19 đều  có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng, hiện nay 08 trường hợp này đều đang được điều trị ổn định. Thành phố Hồ Chí Minh rà soát được 44.266 người từ Đà Nẵng về, đến nay có hơn 31.000 người đã được xét nghiệm, có hơn 28.000 người đã có kết quả âm tính.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong tình hình dịch bệnh, Bộ đã yêu cầu các Trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước điều chỉnh số liệu chỉ tiêu tuyển sinh cho hợp lý để đảm bảo được nguyện vọng cho học sinh thi cả 2 đợt 1 và 2.

Đồng chí Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng cho biết, các bệnh nhân dương tính trong bệnh viện tại Đà Nẵng đã được chuyển ra các bệnh viện khác; Đà Nẵng sẽ làm sạch các bệnh viện để chuẩn bị mở cửa Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Đồng chí đánh giá cao cách làm của tỉnh Quảng Nam thành lập các tổ dân phố giám sát từng hộ dân cư để sớm phát hiện và cách ly các trường hợp nghi nhiễm.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, hiện nay cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải đều không thiếu, đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch.

Đồng chí Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các dự báo đều phụ thuộc 3 yếu tố: phụ thuộc vào thời điểm xác định dịch, môi trường của dịch bệnh và cả sự can thiệp quyết liệt hay không của chính quyền địa phương. Đồng chí lưu ý về cách ly; xét nghiệm không thể nào xét nghiệm 100% người dân được, do vậy, xét nghiệm triệt để nhưng vẫn phải giãn cách xã hội. Đồng chí nhấn mạnh, tuyến xung yếu cần phòng thủ đó là người già, người yếu, tại các bệnh viện, phòng khám… Rõ ràng nguy cơ hiện nay là Đà Nẵng, do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ số người từ Đà Nẵng về tỉnh. Về kì thi, lưu ý không chỉ trong phòng thi mà cần đảm bảo an toàn cả ngoài phòng thi.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ

phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch COVID-19 lây lan nhanh ở mức cao, bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực. Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng thì không thể mất cảnh giác, chủ quan. Cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam bắt đầu sang thời kỳ cao điểm. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua với tinh thần, trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Hình ảnh người bác sỹ từ Hải Phòng tạm biệt gia đình, lên đường vào Đà Nẵng rất cảm động; các gia đình, nhà hảo tâm đóng góp tiền của, hỗ trợ cho các địa phương chống dịch…

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, sự đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa của hệ thống chính trị với nhiều biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn, nhất là trong ít nhất 2 tuần tới, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn của mình, có những giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện. Cần quán triệt tinh thần tập trung cao độ, phản ứng nhanh và hiệu quả, tinh thần huy động tổng lực, phối kết hợp tốt, nhuần nhuyễn các lực lượng chống dịch, nêu cao tinh thần quyết tâm, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất.

Thực hiện các biện pháp từ kinh nghiệm Đà Nẵng và các địa phương khác là: truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, điều trị tích cực; đặc biệt kiểm soát khai báo y tế, cách ly số người từ Đà Nẵng về. Huy động tinh thần tổng lực, yêu cầu các cơ sở y tế phải có biện pháp, không được chủ quan để bùng phát tại các bệnh viện.

Yêu cầu Bộ Y tế điều phối kịp thời vật tư thiết yếu về công tác xét nghiệm điều trị cho các địa phương, đảm bảo không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải phòng… và nhiều tỉnh thành khác, xem xét, tính toán nguồn dự trữ cung ứng lương thực thực phẩm đề phòng tình huống dịch kéo dài hơn dự kiến.

Giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ diễn biến dịch, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, khinh suất gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục của tất cả địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệm THPT Quốc gia, lưu ý chủ động các biện pháp phòng dịch. Xử lý nghiêm nhóm đối tượng hàng gian lận thương mại, găm hàng tăng giá, hàng giả, nhất là thiết bị vật tư, khẩu trang y tế…

Tại Thanh Hóa, ngay sau khi có ca bệnh BN748 dương tính với SARS-COV-2, tại xã Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn; 19h30 tối ngày 06/8/2020, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn tỉnh, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch do đồng chí Nguyễn Đình Xứng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì./.

 

<

Tin mới nhất

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá kết quả thực hiện quý I; đề ra nhiệm vụ trọng tâm quý II(29/03/2024 10:00 SA)

Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029(26/03/2024 2:36 CH)

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2024(22/03/2024 2:22 CH)

Kỳ Họp thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII nhiệm kỳ 2021- 2026(15/03/2024 9:41 SA)

Tổng kết thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và công tác xây dựng Đảng...(14/03/2024 3:21 CH)

UBND tỉnh tổ chức Phiên họp tháng 3 năm 2024(01/03/2024 10:39 SA)

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết...(25/02/2024 3:09 CH)

Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 02 năm 2024: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn...(22/02/2024 2:17 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1960 người đã bình chọn
°
0 người đang online