Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Đăng ngày 27 - 08 - 2020
100%

Ngày 27/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2021 khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu định hướng thảo luận việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên phải định vị lại vị trí và chiến lược phát triển. Cần xác định các trọng tâm, trụ cột, nguồn lực phát triển và định hình một tầm nhìn mới để có những giải pháp phấn đấu, thu hẹp được khoảng cách phát triển giữa các vùng. Trong các mục tiêu đầu tư cần tránh dàn trải, quan tâm ưu tiên cho những dự án quan trọng, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và có tính liên vùng.

Vùng miền Trung gồm 14 tỉnh, thành, là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đóng vai trò chiến lược trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của vùng miền Trung ước giảm 0,68%; nhiều tỉnh, thành tăng trưởng âm.

Về kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của khu vực miền Trung bình quân đạt 6,8-7%/năm; đứng thứ 3 trong 6 vùng của cả nước. Riêng khu vực Tây Nguyên đạt 6,5% nhưng không đồng đều giữa các địa phương.

Đánh giá riêng về khu vực miền Trung cho thấy, động lực tăng trưởng còn yếu; kinh tế biển và ven biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế; thu ngân sách chưa bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Nhu cầu vốn đầu tư công của khu vực là 138.700 tỷ đồng; trong đó, ngân sách địa phương là 60.900 tỷ đồng; vốn ODA là 11.700 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 66.000 tỷ đồng. Cả giai đoạn 2021 - 2025 thì tổng nhu cầu vốn đầu tư công của khu vực là 713.990 tỷ đồng, gấp 3 lần với giai đoạn 2016 - 2020. Khu vực miền Trung được định hướng trở thành khu vực phát triển năng động, gắn với phát triển kinh tế biển với tốc độ nhanh, bền vững. Tập trung vào công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại; kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh, giảm thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu.

Đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin một số kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tuy đạt 3,7%, đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19. Thu ngân sách nhà nước đạt 14.485 tỷ đồng (bằng 50% dự toán năm và tăng 4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 89%).

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của Thanh Hóa đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng từ 43,8% (thời điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị giao ban tháng 7/2020) lên 66,4% xếp thứ 11/63 tỉnh thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân cao. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi tháng tỉnh Thanh Hóa giải ngân vốn đầu tư công đạt 600 tỷ đồng, thì riêng trong hơn 01 tháng từ ngày 15/7 đến nay, giải ngân đạt 1.157 tỷ đồng, gấp 1,9 lần bình quân mỗi tháng nêu trước đó. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

Thanh Hóa vừa qua được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng cho tỉnh. Để đạt được mục tiêu như Nghị quyết đề ra, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm bày tỏ mong muốn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Thanh Hóa trong thời gian tới. Thanh Hóa xác định xây dựng kế hoạch phát triển bám sát các chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra. Thanh Hóa sẽ phát huy nội lực, quan tâm xây dựng kế hoạch phát triển bám sát các chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra, trong đó, lấy công nghiệp và du lịch làm trụ cột phát triển.

Để chủ động trong xây dựng các kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đề xuất ngay sau hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có thông báo tổng mức đầu tư công trung hạn để các tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện đối với từng loại dự án. Đồng thời, sớm báo cáo với Chính phủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, 30a, 135 để tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, từ 01/01/2021 một số Luật về đầu tư sẽ có hiệu lực, mong bộ sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện. Năm 2020 là năm “gốc” lấy số liệu so sánh, Bộ sớm có hướng dẫn cho Cục thống kê thống nhất về mặt số liệu thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bộ quan tâm xây dựng phần mềm phân tích dữ liệu kinh tế xã hội của các tỉnh. Đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư xã hội hóa thực hiện các dự án đầu tư.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, các địa phương phải xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện. Ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương cần bám sát định hướng tại dự thảo Nghị quyết Đại hội đảng bộ địa phương, kế thừa và phát triển các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016-2020; đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để hoạch định chiến lược, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tổng hợp, ghi nhận các ý kiến đề nghị của các địa phương để có trả lời, hướng dẫn theo thẩm quyền. Đồng thời, trên cơ sở các ý kiến của các địa phương có báo cáo tổng hợp để tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có định hướng phù hợp cho thời gian tới./.

 

<

Tin mới nhất

Hội nghị trực tuyến giao ban về tình hình thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng...(24/04/2024 9:52 SA)

Thanh Hóa: Tốc độ GRDP quý I năm 2024 đứng thứ 3 cả nước(08/04/2024 11:13 SA)

Hội nghị trực tuyến UBND tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và...(04/04/2024 2:53 CH)

Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch...(02/04/2024 2:00 CH)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi tiếp xã giao Đoàn công tác của hãng tàu CMA -...(27/03/2024 3:56 CH)

Hội nghị giao ban trực tuyến Dự án Đường dây 500kV mạch 3(26/03/2024 2:02 CH)

Thanh Hóa: Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024(26/03/2024 9:30 SA)

Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với BTV Thành uỷ TP. Thanh Hoá(25/03/2024 8:54 CH)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1979 người đã bình chọn
°
2057 người đang online