Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 năm 2018.

Đăng ngày 03 - 07 - 2018
100%

Ngày 02/7/2018, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có các thành viên UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh,  hội nghị này rất quan trọng vì chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2018, hội nghị không chỉ nhằm đánh giá sát diễn biến của đất nước và quốc tế, những kết quả đạt được, mà còn nhận diện những yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của đất nước để có giải pháp khắc phục kịp thời, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2018. Đặc biệt, cần đưa ra được các giải pháp xác đúng với đất nước, địa phương và các vùng miền. Thủ tướng đánh giá cao tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, thách thức còn tồn tại, cần phải có giải pháp chủ động xử lý tốt.           

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm là tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp giữ được đà tăng khá, tình hình xã hội cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra. Tăng trưởng toàn diện trên cả 03 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản (3,93%, cao gấp 1,4 lần so với mức tăng cùng kỳ); công nghiệp và xây dựng (9,07%, cao gấp 1,5 lần); dịch vụ (6,9%). Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 13,02%.  

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh đã khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, với các nét nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 8,85%, cao hơn so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm những năm gần đây; sản xuất nông nghiệp được mùa, năng suất lúa bình quân ước đạt 66,5 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 37.791 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây; Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động, xuất xưởng thành công 03 loại sản phẩm thương mại, gồm xăng RON A92, A95 và dầu Diesel bán ra thị trường (6 tháng đã đóng góp 2,02% điểm tăng trưởng); các ngành dịch vụ phát triển khá; số lượng khách và doanh thu du lịch tăng 19%; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 26,4% so với cùng kỳ (hầu hết các nhà máy giày da, may mặc có đơn hàng sản xuất hết cả năm); các hoạt động văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh có chuyển biến tiến bộ; trong chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh đang tập trung xây dựng, hoàn thiện các thể chế về quy định trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên các lĩnh vực quản lý nhà nước gắn với việc cụ thể hóa đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh với tính phấn đấu rất cao, đạt 15% trở lên; do đó, dự kiến 6 tháng cuối năm, mức tăng trưởng tổng sản phẩm địa bàn phải đạt được là 19,9%. Để đảm bảo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trong năm 2018; 6 tháng cuối năm 2018, tỉnh đang tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, GPMB; đây là những lĩnh vực cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ các khó khăn cụ thể cho tỉnh như : tạo điều kiện để nhà máy tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất; tháo gỡ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, chấp thuận danh mục công trình dự án thu hồi đất; có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt Đề án liên doanh liên kết giữa cơ sở khám, chữa bệnh công và các nhà đầu tư; phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; phê duyệt kế hoạch và lựa chọn nhà thầu; cơ chế phối hợp sử dụng nhân lực giữa bệnh viện công và cơ sở khám chữa bệnh hợp tác liên doanh; đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc thí điểm xây dựng mức học phí riêng cho các cơ sở giáo dục đại trà thực hiện theo cơ chế tự chủ nhưng vẫn đảm bảo trong khung học phí theo quy định tại Nghị định số 86 để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Phiên họp.

 (nguồn: http://baochinhphu.vn)

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng với 18 vấn đề nổi lên tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã phát biểu cụ thể, tập trung đưa ra các kiến nghị, giải pháp kịp thời để khắc phục. Bên cạnh những điều đáng mừng như thị trường tài chính Việt Nam đang có những diễn biến tích cực; xoá đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng được bảo đảm; năng lực sản xuất ngày càng tăng cao và đạt ngưỡng cao liên tục trong phát triển kinh tế xã hội. Nhưng nhìn chung, đời sống nhân dân chưa thực sự cao, người lãnh đạo chưa thực sự vui..

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ ngành Trung ương và địa phương cần mạnh dạn hủy bỏ những điều kiện kinh doanh đi ngược lại nền kinh tế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm đầu. Cần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam bằng cách tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.  Không thể để tồn tại một bộ máy hành chính trì trệ, không cần nổ lực, thờ ơ, có cũng được, không có cũng được của một số cán bộ. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành hoàn chỉnh các thủ tục trình Thủ tướng những nội dung sửa đổi, cắt giảm một số điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước thủ tướng chính phủ về những vụ việc mất an ninh trật tự ở địa phương. Từng thành viên Chính phủ, từng địa phương cần đánh giá lại ngành mình, địa phương mình xem đã thực hiện được gì, chưa làm được gì trong hơn nửa nhiệm kỳ qua. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, nâng cao tính hiệu quả, toàn diện của từng chương trình, dự án, kế hoạch hành động.../.

 

<

Tin mới nhất

Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029(26/03/2024 2:36 CH)

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2024(22/03/2024 2:22 CH)

Kỳ Họp thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII nhiệm kỳ 2021- 2026(15/03/2024 9:41 SA)

Tổng kết thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và công tác xây dựng Đảng...(14/03/2024 3:21 CH)

UBND tỉnh tổ chức Phiên họp tháng 3 năm 2024(01/03/2024 10:39 SA)

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết...(25/02/2024 3:09 CH)

Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 02 năm 2024: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn...(22/02/2024 2:17 CH)

Nghiên cứu, quán triệt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...(21/02/2024 8:35 SA)

Chỉ đạo điều hành

Văn bản mới

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa
1960 người đã bình chọn
°
0 người đang online